Ấn Độ tiếp tục thử nghiệm tên lửa siêu âm BrahMos

Ấn Độ tiếp tục thử nghiệm tên lửa siêu âm BrahMos
TPO - Ấn Độ ngày hôm qua, 7/4 đã tiến hành thử nghiệm thành công vụ phóng tên lửa hành trình siêu âm BrahMos. Tên lửa được phóng từ một bệ phóng di động và tiêu diệt chính xác mục tiêu ở khoảng cách gần 300km. 

Hãng tin News dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, vụ phóng được thực hiện tại bãi thử Pokhran thuộc bang Rajasthan, phía tây bắc Ấn Độ lúc 13h ngày 7/4 (giờ địa phương).

“Tên lửa được bắn từ một bệ phóng di động với tầm bắn tối đa là 290km. Tên lửa đã tiêu diệt mục tiêu định trước”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Đại tá Col SD Goswami nói.

Đại tá Col SD Goswami cũng cho biết, nhiều quan chức quốc phòng cấp cao của Ấn Độ đã chứng kiên vụ thử tên lửa.

BrahMos là sản phẩm của công ty BrahMos Aerospace (liên doanh Nga - Ấn thành lập năm 1998 tại New Dehli), chế tạo trên cơ sở loại tên lửa đối hạm siêu âm nổi tiếng P-800 Yakhont (phiên bản xuất khẩu của P-800 Onyx).

Liên doanh này bao gồm Liên hiệp các nhà sản xuất khoa học công nghệ chế tạo máy NPO Mashinostroyenia - đại diện phía Nga và Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO).

Tên “BrahMos” được ghép và viết tắt từ tên hai con sông: Brahmaputra của Ấn Độ và Moscow của Nga. Chính vì vậy, người Ấn luôn viết hoa từ "Mos" trong chữ BrahMos.

Liên doanh sản xuất tên lửa hành trình BrahMos được coi là một trong những dự án thành công nhất trong lịch sử hợp tác công nghiệp quốc phòng Nga - Ấn Độ và trên toàn thế giới.

Tên lửa BrahMos được thử nghiệm lần đầu năm 2005, bắt đầu bằng phiên bản phóng từ trên tàu mặt nước. Tên lửa có chiều dài 8,4m, đường kính thân 0,6m, tầm bắn 300km, trọng lượng phóng 3 tấn, đầu đạn nặng 300kg (phiên bản phóng từ trên không 2,5 tấn, đầu đạn 250kg), tên lửa có thể phóng trên độ cao tối đa 14km, thông thường 10km với vận tốc siêu âm Mach3, gấp hơn 3 lần vận tốc các loại tên lửa hành trình cận âm của Mỹ.

Tên lửa BrahMos có khả năng phóng trên mọi phương tiện mang như: Máy bay, tàu mặt nước, tàu ngầm, xe bệ phóng mặt đất), có khả năng tấn công đa mục tiêu bao gồm tàu mặt nước và mục tiêu mặt đất, có khả năng mang theo cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.

Theo Theo News
MỚI - NÓNG