Hãng Tass ngày 11/3 dẫn lời Giám đốc điều hành Công ty BrahMos Aerospace, ông Sudhir Kumar Mishra cho biết, Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã thử nghiệm thành công biến thể tên lửa liên doanh Nga-Ấn Brahmos với tầm bắn tăng lên đến hơn 400 km.
“Sự kiện hôm nay đã chứng minh rằng tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách hơn 400 km. Tôi chúc mừng các nhà khoa học Ấn Độ và Nga với thành tựu công nghệ tuyệt vời này. Chúng ta có thể tự hào”, ông Sudhir Kumar Mishra nói.
Trang chủ của DRDO cho biết cuộc thử nghiệm tiến hành trên đảo Abdul Kalam ngoài khơi bờ biển Odisha lúc 11h30 ngày 11/3 (giờ địa phương”.
“Tên lửa đánh trúng mục tiêu mặt đất. BrahMos đã chứng tỏ ưu thế so với các tên lửa hành trình siêu thanh trên thế giới hiện nay”, ông Sudhir Kumar Mishra nhấn mạnh.
Người đứng đầu công ty liên doanh BrahMos Aerospace cho biết tầm bay tối đa của loại tên lửa này trước đây là 290 km.
Quyết định tăng tầm bắn cho tên lửa BrahMos đã được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh song phương Nga-Ấn ở Goa vào năm 2016.
Tháng 6/2016, Giám đốc tiếp thị của công ty phát triển tên lửa BrahMos Aerospace, ông Praveen Pathak cho hay, công việc thiết kế-thử nghiệm biến thể siêu vượt âm của Brahmos sẽ bắt đầu khoảng năm 2022, mẫu chế thử có thể xuất hiện vào năm 2024.
Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos được phát triển tại Ấn Độ với sự tham gia của Liên hiệp NPO Mashinostroenia của Nga.
BrahMos được phát triển trên cơ sở tên lửa Yakhont, biến thể xuất khẩu của tên lửa chống hạm P-800 Oniks của Nga.
BrahMos có 4 phương án triển khai: trên mặt đất, trên tàu nổi, trên tàu ngầm và trên máy bay. Biến thể mặt đất và trên tàu nổi đã được nhận vào trang bị. Các biến thể khác đang trong quá trình phát triển và thử nghiệm.