“2016 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với BrahMos Aerospace. Đặc biệt, trong vòng 6 tháng tới, chúng tôi sẽ tiến hành phóng thử tên lửa BrahMos-A từ máy bay Su-30MKI. Tiếp đó, phiên bản tên lửa mới này sẽ được sản xuất hàng loạt”, ông S. Mishra cho biết.
Trước đó, việc phóng thử tên lửa BrahMos-A từng được lên kế hoạch nhiều lần trong năm 2015. Tuy nhiên vì lý do kỹ thuật, vụ thử đã được lùi sang đầu năm 2016.
Trong năm 2015, Tập đoàn chế tạo hàng không Ấn Độ HAL đã nhận hợp đồng hoán cải 42 máy bay Su-30MKI với khả năng mang vác các loại tên lửa hành trình lớn, trong đó có BrahMos-A. Không quân Ấn Độ cũng dự kiến chi 1,1 tỷ USD đặt mua khoảng 200 đạn tên lửa BrahMos-A trong thời gian sắp tới.
Với việc giới thiệu BrahMos-A, dòng đạn tên lửa hành trình hợp tác Nga-Ấn BrahMos đã có đủ các phiên bản hải-lục-không quân. Giới chuyên gia đánh giá BrahMos-A có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, nhất là đối với các quốc gia đang sở hữu các biến thể máy bay chiến đấu Su-30MK nhập khẩu từ Nga.
Phát triển dựa trên nền tảng tên lửa đối hạm siêu thanh P-800 Oniks (Yakhont) của Nga, BrahMos có thể đạt tốc độ từ Mach 2,5-2,8 (Mach – tốc độ âm thanh) và tầm bắn đạt 280km. BrahMos có thể tiêu diệt mục tiêu với đầu nổ nặng 200kg. Việc ngăn chặn loại tên lửa nhanh nhất thế giới này là rất khó khăn do tốc độ và các chế độ bay phức tạp của nó.
Hiện, cả Nga và Ấn Độ đều "bật đèn xanh" cho việc xuất khẩu tổ hợp vũ khí này sang nước thứ 3. Giá thành chuyển giao mỗi tổ hợp vũ khí này sang nước thứ 3 được định giá là vào khoảng 3 triệu USD.
Nga và Ấn Độ đang phát triển phiên bản BrahMos phiên bản nâng cấp với tốc độ bay có thể đạt Mach 5.