Ăn càng nhiều càng mang bệnh
TPO - Các nghiên cứu cho thấy, sử dụng nhiều thực phẩm có chứa trans fat như bơ thực vật, dầu chiên nhiều lần, mì ăn liền, các đồ nướng, bánh ngọt, cream, giò chả chiên, nem rán…sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư…
Mỳ ăn liền là một trong những sản phẩm chứa hiều trans fat nhất. Ảnh: minh họa - Internet |
Ngày 22-2, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức hội thảo “Hiểm họa Trans fat – người tiêu dùng cần được bảo vệ”. Đây không phải là lần đầu tiên tại Việt Nam, vấn đề trans fat với sức khỏe được cảnh báo, song tất cả vẫn chỉ dừng ở mức… khuyến cáo.
Mì ăn liền chứa nhiều trans fat nhất
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, do tiện lợi nên mì ăn liền đã trở thành món ăn thường xuyên, không chỉ cho người có ít thời gian, cần ăn nhanh như ăn buổi sáng, ăn lót dạ tại công sở, mà còn là món phổ biến trong mọi gia đình, đặc biệt là trẻ em.
Tuy nhiên, đây là loại thực phẩm không an toàn cho người sử dụng. Bởi mì ăn liền cũng như một số thực phẩm khác như: các loại bánh ngọt, mì ăn liền, khoai tây chiên, đồ rán ăn sẵn…, khi chế biến được chiên trong dầu hoặc mỡ.
Nhưng dầu hoặc mỡ rất dễ bị ôi khét do quá trình peroxyt hoá bởi ô xy không khí và sau một thời gian ngắn, sản phẩm sẽ có mùi khó chịu do dầu mỡ bị o xy hoá. Chất lượng mì ăn liền suy giảm nhanh chóng.
Để khắc phục hiện tượng này, người ra sử dụng công nghệ làm no hoá gọi là quá trình hydrogel hoá và tạo ra sản phẩm mới là shortening. Chất này ít bị oxy hoá và do đó hạn chế hiện tượng ôi khét. Mì ăn liền có thể bảo quản lâu hơn mà vẫn thơm ngon.
Tuy nhiên, chính quá trình này đã biến chất béo dạng cis (dạng tự nhiên) thành dạng trans có hại cho hệ tim mạch. Chất này đã làm tăng 132% nguy cơ gây ung thư vú (Viện Nghiên cứu Inserm và Gustave Roustry (Pháp) nghiên cứu trên 25.000 phụ nữ đã chứng minh: nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ có hàm lượng axit béo trans trong máu cao, tăng gần gấp 2 lần so với những phụ nữ có hàm lượng thấp...).
Hiểm họa lớn cho sức khỏe
Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thì các cơ quan nhà nước cần sớm đưa ra các quy chuẩn, quy định bắt buộc, các biện pháp quản lý chất béo độc hại trans fat và yêu cầu các doanh nghiệp không sử dụng loại nguyên liệu sản sinh ra chất béo độc hại này. Người dân cũng tự bảo vệ mình bằng cách đọc kỹ thông tin trên bao bì khi lựa chọn thực phẩm. |
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, một nghiên cứu của Đại học Y tế công cộng Harvard (Hoa Kỳ) trên 140.000 đối tượng cho thấy, nếu ăn tăng thêm 2% năng lượng từ trans fat (tương đương khoảng 4g trans fat) sẽ dẫn tới tăng 23% nguy cơ mắc bệnh mạch vành (tăng 1,23 lần).
Nguyên nhân là do trans fat làm tăng cholesterol xấu, làm giảm cholesterol tốt, từ đó làm tăng nguy cơ mắc sơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, dẫn tới đột quỵ, nhồi máu cơ tim…
Nghiên cứu chỉ ra, ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng dầu chứa trans fat đã gây ra từ 72.000 đến 228.000 ca bệnh nhồi máu cơ tim và khoảng từ 30.000 – 100.000 người chết vì nhồi máu cơ tim mỗi năm.
TS Nguyễn Thị Bạch Yến, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam nhấn mạnh, bệnh tim mạch đang gia tăng nhanh ở nước ta và thực phẩm chứa trans fats cũng là một trong số những nguyên nhân.
Do đó, để phòng bệnh thì người dân cần thực hiện một chế độ ăn hợp lý, đủ vitamin, chất khoáng, acid béo cần thiết, thích ứng với cuộc sống từng người. Tốt nhất nên ăn nhiều rau xanh và quả chín (500g/ ngày), hạn chế thức ăn có đậm độ năng lượng và chỉ số đường huyết cao như đường mật, mứt kẹo, bánh ngọt, chocolate, nước ngọt...
Tại Việt Nam, những món ăn truyền thống có hàm lượng trans fat thấp, song nhu cầu sử dụng các loại đồ ăn sẵn, mì ăn liền, thực phẩm được chế biến công nghiệp… ngày càng tăng khiến cho hiểm họa từ trans fat đến người tiêu dùng cũng ngày càng lớn. Trong khi đó, tại nước ta vấn đề trans fat trong thực phẩm vẫn còn là điều khá mới mẻ với rất nhiều người và cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến việc quản lý trans fat, cũng chỉ có một số ít doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ghi rõ thông tin trans fat trên bao bì.
Khánh An