Ấm vòng tay mẹ đỡ đầu của các nữ chiến sĩ công an

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mẹ bỏ đi khi mới 1 tháng tuổi, Nguyễn Tiến Nam (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cùng chị gái ở nhờ nhà ông bà nội đã già yếu. Hằng ngày, bố đi làm công nhân nuôi hai chị em ăn học. Nam vừa được nhận hỗ trợ từ chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội phụ nữ Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk.

Em Nguyễn Tiến Nam đang học lớp 1, Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (thành phố Buôn Ma Thuột). Hằng ngày, bố Nam tranh thủ chở em đến trường rồi đi làm công nhân cho một khu công nghiệp. Cuộc sống gia đình rất khó khăn. Khi Nam mới được 1 tháng tuổi, mẹ bỏ đi, hiện chưa có tin tức gì. Ba bố con phải ở nhờ nhà ông bà nội đã già yếu. Ông bà có một tạp hóa nhỏ bán qua ngày.

Ấm vòng tay mẹ đỡ đầu của các nữ chiến sĩ công an ảnh 1

Nguyễn Tiến Nam (thứ 2, phải qua) tại lớp học

Thấu hiểu, cảm thông trước hoàn cảnh của Nam, với mong muốn kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn, giúp em có thêm động lực vươn lên trong học tập, Hội phụ nữ Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk đã nhận đỡ đầu Nam trong thời gian 5 năm, mỗi năm hỗ trợ 6 triệu đồng.

Tại lễ nhận đỡ đầu ngày 19/5/2022, Thượng tá Nguyễn Thành Lâm- Phó bí thư đảng ủy, Phó phòng Cảnh sát cơ động; Trung tá Mai Thị Thanh Thủy- Chủ tịch Hội phụ nữ cùng các chiến sĩ trong phòng đã trao biển nhận đỡ đầu và kinh phí hỗ trợ năm 2022 đến Ban giám hiệu nhà trường và em Nguyễn Tiến Nam.

Cầm tấm biển trên tay, em Nam bẽn lẽn: “Con cảm ơn cô chú đã giúp đỡ con. Con hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi không phụ lòng sự quan tâm của các cô chú”.

Ấm vòng tay mẹ đỡ đầu của các nữ chiến sĩ công an ảnh 2

Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát cơ động trao bảng nhận đỡ đầu cho học sinh Nam và Ban giám hiệu nhà trường

Cô Đào Thị Hậu, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ chia sẻ, hoàn cảnh của học sinh Nguyễn Tiến Nam rất khó khăn. Nam thường hay đau ốm. Hiện trường có 2 em mồ côi do COVID-19 được Hội đồng đội Trung ương hỗ trợ. Nhà trường luôn tạo điều kiện, quan tâm những hoàn cảnh học sinh khó khăn.

Theo cô Hậu, các giáo viên nữ trong trường đồng hành các em từ khâu ăn uống, học tập,… Bên cạnh đó còn có các cơ quan đoàn thể hỗ trợ như chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Phòng Cảnh sát cơ động góp phần chung tay chia sẻ, chăm sóc những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chắp cánh cho các em thêm nghị lực trở thành người công dân có ích. Qua đó góp phần lan tỏa, xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an vì nhân dân phục vụ.

Đối với môi trường trường học, theo cô Hậu, việc làm này mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, giáo dục cho các em về sự sẻ chia và giúp đỡ, tạo nên tinh thần đoàn kết từ học trò.

Ấm vòng tay mẹ đỡ đầu của các nữ chiến sĩ công an ảnh 3

Trung tá Mai Thị Thanh Thủy động viên em Nam

Theo trung tá Mai Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội phụ nữ Phòng Cảnh sát cơ động, nguồn hỗ trợ được Hội vận động từ các nhà hảo tâm. Ngoài việc hỗ trợ mức kinh phí hàng năm, Hội phụ nữ thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc và tặng quà vào các ngày lễ, tết,... Đầu năm học hỗ trợ cặp và sách vở. “Chúng tôi thường xuyên liên lạc với Ban giám hiệu nhà trường để theo dõi tình hình học tập của Nam, nếu cần hỗ trợ gì bên Hội sẽ cố gắng hỗ trợ. Hiện Đoàn thanh niên Phòng đang nhận làm mẹ đỡ đầu cho một học sinh lớp 4 tại trường này”, trung tá Thủy cho biết.

Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi đã cảm nhận được sự ấm áp, hạnh phúc khi được các nữ chiến sĩ công an nhận làm “Mẹ đỡ đầu”, giúp đỡ, động viên các em tiếp bước đến trường. Các chị đã trở thành người mẹ thứ hai, mang hơi ấm tình thương giúp các em bù đắp thiếu thốn tình cảm, có thêm động lực để vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo.

MỚI - NÓNG