Nhận định trên được đưa ra tại cuộc họp nhằm tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm do Bộ Công Thương tổ chức ngày 19/7.
Nhiều thị trường được xem là bạn hàng lớn cả về xuất và nhập khẩu của VN đang có dấu hiệu giảm hoặc chậm tăng trưởng trong nhiều tháng qua. Dẫn chứng là nhập khẩu của khu vực Eurozone đã giảm 3%, Nhật Bản giảm 13,8%, tình trạng tương tự diễn ra đối với nhập khẩu của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế khác.
Lượng hàng xuất khẩu giảm đều từ nhóm hàng nông lâm thủy sản, nhiên liệu - khoáng sản đến hàng công nghiệp… Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: “Lần đầu tiên trong 11 năm nay, ngành dệt may VN xuất khẩu trong 6 tháng qua tăng trưởng ở con số rất thấp. Xuất khẩu của cả ngành chỉ đạt 12,6 tỷ USD, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 41% kế hoạch xuất khẩu của cả năm”. Theo VITAS, tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may trong 6 tháng đầu năm chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi các doanh nghiệp ngành dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần, áo jacket. Dự báo từ tháng 8 trở đi đơn hàng có vẻ “đuối”, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm thường là thời điểm xuất khẩu chủ lực của ngành lúa gạo, nhưng tới hiện nay, sản lượng xuất khẩu chưa tới 2,7 triệu tấn (giảm 11% so với cùng kỳ năm 2015). Thị trường truyền thống chủ yếu vẫn là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á (chiếm 70-75%) nhưng hiện đang sụt giảm nghiêm trọng. Thị trường ở châu Mỹ, châu Phi có tăng nhưng không bù đắp được lượng sụt giảm từ châu Á. 6 tháng cuối năm, VFA chỉ đặt mục tiêu “khiêm tốn” xuất khẩu 3 triệu tấn lúa gạo nhưng vẫn không dám đặt nhiều kỳ vọng.