Bài 1: Lôi kéo con nợ vào tròng
Không cần thế chấp, chỉ cần có chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, thậm chí giấy phép lái xe là có tiền ngay. Đó là cách mà đối tượng xấu dẫn dụ nhiều người dân đang gặp khó khăn về tài chính bước chân vào cửa vay nặng lãi.
Không dám mặc cả lãi suất
Vài năm trước tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang xuất hiện một nhóm đối tượng đi rải tờ rơi với nội dung cho vay vốn kèm theo số điện thoại. Là một địa phương thuần nông, có nhiều bà con dân tộc Khmer sinh sống nên hiểu biết về mối nguy của tín dụng đen còn hạn chế, một số bà con tại đây đã liên hệ với một người đàn ông tên Giang (không rõ nhân thân) thông qua số điện thoại trên tờ rơi để vay tiền.
Đa số những người vay tiền ở đây là những phụ nữ làm nghề buôn bán nhỏ lẻ, cần vốn để mua bán và trang trải cuộc sống. Mỗi người chỉ vay từ 3 đến 5 triệu đồng.
Theo chị N.T.N.H (41 tuổi, ngụ tại địa phương) cho biết, chị thấy tờ rơi kèm số điện thoại của Giang nhiều năm trước và nhiều người quen của chị cũng vay. Dù lãi cao đến 30% /tháng nhưng người ta vẫn chấp nhận vay. Bù lại bất cứ khi nào cần tiền, điện thoại là Giang sẽ mang tiền tới. Vì vay dễ, không cần thế chấp nên mọi người không dám mặc cả mức lãi suất vì sợ Giang đổi ý. Cũng chẳng ai dám trình báo, vì lo sợ khi cần tiền sẽ không vay được nữa.
“Sau dịch COVID-19, buôn bán khó khăn, ế ẩm nên tôi cần vốn để duy trì. Dù biết Giang cho nhiều người trong xóm vay từ nhiều năm trước nhưng lãi quá cao nên tôi không vay. Nhưng gần đây, gặp khó khăn không mượn ai được nữa nên được một người quen giới thiệu vay của Giang 3 triệu đồng trong thời hạn 1 tháng để trang trải và thoả thuận trả góp dần là 150 nghìn đồng/ngày. Vì quá túng nên tôi đồng ý”, chị H. nói.
Theo lời chị H., chị và cả những người là “mối” vay lâu năm của Giang đều không biết địa chỉ cụ thể của Giang ở đâu. Chỉ biết mỗi ngày Giang từ Ba Hòn (thuộc thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang - cách chỗ chị H. ở khoảng 60km) đi xe máy đến thu tiền lãi.
Đối tượng tín dụng đen nhắn tin cho vợ anh C. để đe doạ đòi tiền Ảnh: Công an cung cấp |
Chị H. kể: “Tôi vay là đóng tiền rất đúng hẹn. Hôm đó là ngày thứ 25 tôi đã đóng tiền rồi nhưng Giang nói là mới đóng 24 ngày. Tôi quả quyết là đã đóng (trả) được đủ 25 ngày rồi nên 2 bên xảy ra cự cãi. Lúc này, Giang đi cùng một thanh niên nữa mới đi ra trước nhà lấy khúc gỗ nhào vô đánh tôi bầm tím tay, chân, mình mẩy”.
“Ban đầu khi vay, bọn chúng thoả thuận với tôi lãi suất chỉ có vài phần trăm/tháng thôi và được giải ngân nhanh, không cần thế chấp. Thấy trong khả năng chi trả của mình nên tôi đồng ý vay. Tuy nhiên, khi tôi đóng trễ hẹn thì chúng bắt đầu phạt lãi suất, vì chưa trả hết nợ gốc nên chúng cứ cộng dồn lãi suất lên đến mức tôi không còn khả năng chi trả nữa thì chúng giở trò “khủng bố” gia đình tôi bằng cách nhắn tin, điện thoại”, anh C. (ngụ TP. Cần Thơ) kể.
Tiếp theo là trường hợp của anh L.C.C (32 tuổi, ngụ quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ), anh C. là nhân viên tại một sân bay nhưng do cần tiền chi tiêu cá nhân nên từ tháng 5/2020, anh đã vay khoảng 780 triệu đồng thông qua các app trên mạng xã hội và trả lãi và gốc đều đặn hàng tháng. Do bị chậm trả ít ngày, đã có hàng chục số điện thoại lạ gọi cho anh và vợ anh như tra tấn. Bọn chúng còn nhắn tin vào Zalo của vợ anh với nội dung dung tục, xúc phạm; thậm chí, bọn chúng còn gửi cả hình con của 2 người để đe doạ.
Quá sợ hãi, lo lắng chúng sẽ hành hung vợ con, ảnh hưởng đến công việc; ngày 23/9/2022, anh C. đã gửi đơn cầu cứu đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ để được can thiệp.
Túng quẫn đi cướp ngân hàng
Thực tế cho thấy, nhiều người do quá cần tiền nên đánh liều vay tín dụng đen để giải quyết nhu cầu trước mắt. Rất ít trường hợp sau khi vay, họ có thể thoát khỏi sự đeo bám của tín dụng đen. Đã có trường hợp con nợ cùng quẫn bước đường vào con đường phạm tội, trở thành kẻ cướp.
Trần Thanh Luân bị bắt giữ khi dùng súng giả cướp ngân hàng Ảnh: Công an cung cấp |
Đó là trường hợp Trần Thanh Luân (25 tuổi, ngụ TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vừa bị Công an TP Sa Đéc (Đồng Tháp) bắt giữ tối 15/11 khi dùng súng giả xông vào cướp 1,7 tỷ đồng tại Ngân hàng Sacombank chi nhánh Sa Đéc.
Bước đầu, Luân khai nhận có vay với lãi suất cao 50 triệu đồng của một “công ty tài chính” từ năm 2018. Ngoài ra Luân khai còn vay của một người tên T. ở Sa Đéc 15 triệu đồng. Do không có khả năng chi trả, cách đây 2 ngày Luân đã đi mua bật lửa hình cây súng và một số đồ dùng để chế tạo bom giả để làm phương tiện gây án.
Đầu tháng 11/2022, Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cũng khởi tố, bắt tạm giam 7 đối tượng về hành vi cố ý gây thương tích. Những người này liên quan đến vụ án dùng hung khí chém nhau xuất phát từ việc thu tiền góp (tiền vay tín dụng đen) trên địa bàn.
Theo Thượng tá Trần Văn Thanh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang, tại địa bàn An Giang, đối tượng mà bọn tín dụng đen hướng tới là những người buôn bán nhỏ, chủ yếu là phụ nữ vì họ dễ bị hù doạ, còn đàn ông xin vay thì chúng chỉ hẹn nhưng không cho vay. Nhiều người dân có tâm lý sợ bị hành hung, đồng thời muốn giữ mối vay để khi cần là gọi bọn chúng mang tiền tới ngay. Do đó, họ thường không hợp tác với công an.
“Có khi lúc bắt được đối tượng, chúng tôi mời người dân đến làm việc nhằm lấy thông tin củng cố thêm hành vi để xử lý chúng thì họ không đến hoặc có đến thì nói không vay. Việc này cũng góp phần cho đối tượng hoạt động tín dụng đen ngày càng lộng hành hơn”, Thượng tá Thanh nói.