Ám ảnh thang máy

Ám ảnh thang máy
TP - Thang máy ở chung cư và bệnh viện đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Hai trường hợp tử vong do thang máy mới đây ở TPHCM và Hà Nội cho thấy, việc kiểm định chất lượng thang máy đang bị bỏ ngỏ.

Hú vía vì thang máy
> Mất điện thang máy, một người chết

Có thang vẫn cuốc bộ

Có người thân nằm điều trị tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương TPHCM nhưng mỗi lần tới thăm, ông Nguyễn Văn An, 56 tuổi, ở quận 3 vẫn phải cuốc bộ lên tầng trên để thăm, bởi ngoài việc thang máy nơi đây luôn bị hỏng.

“Có lần lên tới lầu 2 thì cửa thang máy bỗng dưng đóng kín, bảo vệ phải mang búa, kềm tới cạy ra tui mới thở nổi”- Ông An nhớ lại.

Nhiều bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh ở khoa Chấn thương chỉnh hình và khoa Ngoại thần kinh, cho biết, tình trạng kêu cứu từ thang máy này vài ba bữa diễn ra một lần. Chiếc thang máy đã tồn tại hơn 10 năm ở bệnh viện này.

Mỗi lần đến BV Mắt TPHCM, nhiều người cứ cuốc bộ lên tầng 3 cho dù thang máy nơi đây vẫn chờ người. Lý do, chiếc thang máy bán tự động cũ kỹ này hay trở chứng. Nhiều bệnh nhân cho biết, có những lúc cửa thang máy mở ra nhưng cái lồng của thang máy vẫn còn nằm ở dưới đất khiến không ai dám đi. Còn tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM từ ngày bệnh nhân Bùi Viết Khảm, 63 tuổi, ở quận Tân Bình đến khám và bị tai nạn rơi từ tầng 4 thang máy xuống đất, 2 năm qua không bệnh nhân nào dám… đi thang máy. “Tôi thà cuốc bộ còn hơn”- một bệnh nhân nói.

Trước đó, ông Khảm đến khám ở đây và bấm thang máy để đi từ tầng 4 xuống đất. Tuy nhiên, khi cửa thang máy mở ra, ông Khảm bước vào thì rơi thẳng từ lầu ba xuống nóc ca bin thang máy vẫn còn nằm tại lầu 1 làm ông bị chấn thương nặng phải nhập viện.

Trong khi đó, tại lô A chung cư Tân Mỹ, quận 7 theo các hộ dân, mỗi tháng thang máy nơi đây trở chứng không dưới 30 lần. Anh Nguyễn Văn B. ở lô A chung cư này cho biết, có lần thang máy rơi tự do từ tầng 3 xuống đất, rất may không có ai đi trong thang. Mới đây, tại chung cư An Lạc, quận Bình Tân, một người bị mắc kẹt trong thang máy đến ngộp thở phải đi cấp cứu. “Khi bảo vệ mở được cửa thì mẹ tôi đã bị ngất”- chị Nga người thân bị nhốt trong thang máy ở đây cho biết.

Lơ lửng tính mạng

Sau cú rơi từ thang máy ở Viện Y dược học dân tộc, ông Khảm bị rách sau đỉnh đầu, chân trái rách một đường khoảng 5cm, nứt xương chậu, gãy ngón tay út nhưng cơ quan này cho biết “không bồi thường”. Hai tuần trước đây, anh Nguyễn Hải Đ. một nhân viên bảo trì thang máy bị chết thảm do thang máy rơi tự do từ trên cao xuống khi anh này đang sửa chữa thang ở quán karaoke Sài Gòn Idol trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, cũng cùng chung số phận.

Chưa hết bàng hoàng thì 5 ngày sau, một nạn nhân khác chết tại chỗ sau khi rơi từ thang máy xuống đất ở một chung cư tại Hà Nội. Những tai nạn thương tâm từ thang máy diễn ra từ nhiều năm qua khiến không ít người đặt câu hỏi về chất lượng của các loại thang máy hiện nay.

Ông Nguyễn Thọ Huy, một chuyên gia trong ngành tự động hóa cho biết: “Thang máy liên quan đến giao thông của tòa nhà, vì vậy đòi hỏi tính an toàn rất cao. Nếu lắp thang máy chất lượng kém hoặc bớt một số tiêu chuẩn như: Bộ cứu hộ tự động dùng để giải thoát hành khách khỏi cabin khi thang máy mất điện; mành hồng ngoại cửa thang tránh cho hành khách bị kẹt; chuông báo... thì hậu quả của nó thật khôn lường, có thể dẫn đến chết người”.

Trao đổi với báo chí về tình trạng sử dụng thang máy hiện nay, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đánh giá thang máy là thiết bị rất quan trọng nhưng theo ông hiện nước ta vẫn chưa có một bộ phận của chính quyền để thường xuyên đi kiểm tra chất lượng của thang máy.

Theo ông Thọ Huy, thống kê ở Mỹ cho thấy mỗi năm tai nạn do thang máy gây ra làm khoảng 30 người tử vong và hơn 17.000 người bị thương. Ở Việt Nam chưa có thống kê về tai nạn từ thiết bị này, nhưng có thể thấy số người bị tai nạn là lớn.

Theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với “thang máy điện” do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành ngày 22-4-2011, thì người quản lý kỹ thuật và vận hành thang máy phải được huấn luyện cơ bản về nghiệp vụ, huấn luyện an toàn lần đầu trước khi giao việc… nhưng thực tế hiện nay ở các chung cư, bệnh viện mỗi lần thang máy hỏng đều do bảo vệ hoặc người dân dùng dao, búa, vật nhọn “xử lý” khiến cho thang máy… mau hỏng hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG