Ám ảnh & sám hối

Như một gia đình. ảnh: Nam Cường
Như một gia đình. ảnh: Nam Cường
TP - Một số người chọn Việt Nam là nơi định cư, số khác đi về liên tục, họ là những người Mỹ, Pháp, Canada… nặng lòng với nước Việt. Tất cả cùng chung một mục đích: xoa dịu nỗi đau, nhân lên tình yêu thương giữa người với người. 

Họ coi Việt Nam là quê hương thứ 2, họ muốn lãng quên, xóa nhòa ranh giới hận thù vốn dĩ mong manh theo năm tháng. Để lãng quên, họ tìm về bằng những yêu thương.

Đó là những cựu binh như Chuck Palazzo, hai bố con Larry Vetter, minh tinh nổi tiếng Tea Leoni (người Mỹ) hay Gerard Kimpe, bác sĩ Francis Lier, Charlotte Klein (Pháp)…, những người đã và đang chung tay xoa dịu nỗi đau chiến tranh tưởng chừng đã lùi xa vào dĩ vãng.

Món nợ của nước Mỹ

Căn nhà nhỏ của của anh La Thành Cang ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) một buổi trưa nắng tháng 3 năm 2008 khác hẳn với mọi ngày. Bình thường, xóm giải tỏa ngay bên làng đá Non Nước im lìm buồn vắng, nay xôn xao bởi thông tin người đẹp nước Mỹ, minh tinh Hollywood Tea Leoni về thăm. Địa chỉ mà nữ diễn viên tìm đến là nơi có nghị lực phi thường, số phận ngặt nghèo, đáng thương của hai anh em La Thành Toàn - La Thành Nghĩa, con trai của anh Cang. Khâm phục ý chí, nữ diễn viên của Jurasic Park III đã tặng hai em chiếc laptop, chịu toàn bộ kinh phí nối mạng.

Bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam (NN CĐDC) Đà Nẵng, người dẫn đường, kết nối nữ diễn viên tới thăm hai em Toàn, Nghĩa mới đây tiết lộ, chỉ một lần tới Đà Nẵng, một lần tận mắt chứng kiến cuộc sống vô cùng đặc biệt của hai em và tặng laptop, nhưng minh tinh Tea Leoni sau vẫn luôn quan tâm đến số phận Toàn, Nghĩa. “Thỉnh thoảng, người đại diện của cô ấy hoặc đại diện Unicef gọi điện, checkmail hỏi thăm. Thật cảm động, tôi cảm nhận được đó là tấm chân tình”.

Ngày đó, Tea Leoni đến với Toàn, Nghĩa không với tư cách là nữ minh tinh, cô là đai sứ thiện chí của Unicef. Cô không ngần ngại ôm ấp, động viên hai em bé không bình thường. Tea Leoni không giấu được sự xúc động đặc biệt: “Tôi đã đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều số phận bi thảm, nhưng không nơi đâu đưa lại cho tôi cảm xúc đặc biệt như thế này. Có lẽ, một phần những em bé da cam Việt Nam chính là những nạn nhân chiến tranh của Mỹ, và chúng tôi nợ các bạn điều đó”.

Ám ảnh & sám hối ảnh 1 Diễn viên Tea Leoni thăm gia đình hai em bé da cam

Số phận hai em Toàn, Nghĩa còn gắn bó với hai người Mỹ nữa. Đó là bố con cựu binh Larry Vetter và Kristen Vetter. Larry Vetter giờ đã là một nhà báo tự do, ông thường xuyên viết bài cho các tạp chí ở Mỹ với chủ đề về Việt Nam, đặc biệt những nạn nhân da cam. Năm 1965, chàng y tá thủy quân lục chiến Larry Vetter mới 23 tuổi, tham chiến ở miền Trung Việt Nam.

Một trong những ám ảnh suốt cuộc đời của ông chính là đôi mắt của một người phụ nữ mang thai trong trận càn bất ngờ của của lính Mỹ ở Thăng Bình (Quảng Nam). Larry kể, khi lính Mỹ bất ngờ đột kích một ngôi làng nhỏ, người dân dẫu bị bất ngờ nhưng kháng cự dữ dội. Tàn trận, máu đổ, làng cháy ngùn ngụt, ông bắt gặp đôi mắt của một người phụ nữ quằn quại. “Bà ấy đang mang thai, và ánh mắt ấy nhìn tôi, không ngôn từ nào diễn tả được. Ánh mắt không hề sợ hãi, mà toát lên sự khinh thường, căm giận và có cái gì đó hơn thế nữa” - Larry kể.

Ánh mắt ấy cũng thôi thúc ông hơn 40 năm qua, đi về như con thoi giữa Mỹ và Việt Nam, mong tìm lại nhân chứng xưa, và cũng tìm chất liệu cho cuốn sách “Blood on the Lotus” (Máu trên hoa sen). Ông không thể nào tìm được người phụ nữ ấy, nếu còn sống giờ cũng đã thành bà, nhưng ông lại tìm được niềm vui khác: giúp đỡ 2 em Toàn, Nghĩa phục hồi sức khỏe. Trở lại Việt Nam lần thứ 2, Larry mang theo con gái Kristen, người nối nghiệp cha vào ngành y, công tác ở Trung tâm cứu hộ Hoa Kỳ hơn 10 năm nay. Cô gái bỏ tất cả để bên cha sang Việt Nam, với ý định ban đầu chỉ là du lịch, khám phá vùng đất mới, vùng đất đau thương nhưng cũng rất quật cường mà cô chỉ đọc qua bản thảo Blood on the Lotus.

“Không thể nào tưởng tượng được. Những gì tôi chứng kiến còn ghê gớm hơn cha tôi viết rất nhiều. Những em bé dị dạng, tôi có thể hình dung sức tàn phá ghê gớm, lâu dài của điôxin”.

Kristen

Chúng tôi đến thăm hai em Toàn, Nghĩa vào những ngày hai bố con Vetter cần mẫn áp dụng phương pháp khoa học, vật lý trị liệu, mong mang đến điều thần kỳ. Kristen không giấu được cảm xúc: “Không thể nào tưởng tượng được. Những gì tôi chứng kiến còn ghê gớm hơn cha tôi viết rất nhiều. Những em bé dị dạng, tôi có thể hình dung sức tàn phá ghê gớm, lâu dài của điôxin”.

Đợt chăm sóc của hai bố con Vetter diễn ra đúng dịp Giáng sinh năm 2013, kéo dài trong 5 tháng. “Tôi đã quyết tâm dành phần đời còn lại của mình cho Việt Nam rồi. Khi có tiền, chúng tôi trở lại đây ngay. Tôi chỉ là y tá không cầm súng bắn vào dân thường, không rải chất độc xuống những cánh rừng, nhưng tôi vẫn cảm thấy một món nợ lớn của cuộc đời đối với Việt Nam. Sau đợt này, tôi sẽ quay lại đây, các bạn yên tâm đi, tiền lương hưu, trợ cấp của chính phủ Mỹ cho tôi không ít, tôi sẽ dành tất cả cho Việt Nam”. Kristen, cô gái cũng không giấu quyết tâm: Tất nhiên là tôi sẽ đồng hành cùng cha.

Và không quên lời hứa của một năm trước, đầu năm 2014, hai bố con Vetter đã quay lại Đà Nẵng. Lần này, ông không ở khách sạn nữa mà thuê một phòng trọ ở gần nhà hai em Toàn, Nghĩa, tự sắm cho mình phương tiện đi lại. Vợ chồng anh La Thành Cang ngỡ ngàng không tin được vào chính mình, bởi hai bố con Vetter đã hứa sẽ chu cấp, nuôi sống cả gia đình từ nay đến hết đời. Và một điều vui mừng nữa, khi sức khỏe hai em Toàn, Nghĩa đang có những dấu hiệu tiến triển tích cực. Hơn một năm trước, hai em được các bác sĩ kết luận đang sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời với di chứng chất độc da cam khiến chân tay ngày càng teo tóp lại.

Hội viên lưỡng quốc

Không ở đâu như Đà Nẵng, có tới 54 hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố là người nước ngoài, chủ yếu đến từ Mỹ, mà đa số là các cựu chiến binh. Bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội, là người đàn bà mau nước mắt, xúc động kể: Ngày càng nhiều người Mỹ làm đơn xin vào Hội, họ đa số là cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam. Dường như họ cảm thấy mắc một món nợ và muốn quay trở lại, bằng tình yêu thương, bằng những món quà ý nghĩa, một phần nào đó xoa dịu nỗi đau”. Trong số 54 người này, có nhiều người đã nhập quốc tịch Việt Nam, sinh sống hẳn Đà Nẵng, Hội An… Số còn lại, từ giám đốc, bác sĩ, kỹ sư, nhà báo… đi về liên tục, chỉ với một mục đích: giúp đỡ trẻ em da cam.

Ám ảnh & sám hối ảnh 2 Chuck Plazzo trở thành Hội viên nạn nhân da cam
Thỉnh thoảng, tôi vẫn bắt gặp Chuck Palazzo ở một số sự kiện liên quan đến nạn nhân da cam ở Đà Nẵng. Ông đã bắt đầu nói tiếng Việt sõi. Vẫn nụ cười hồn hậu, cái bắt tay nhiệt tình. Chuck tham chiến ở miền Trung Việt Nam 13 tháng, là lính thủy đánh bộ vào năm 17 tuổi. Giải ngũ và nhận ra điều phi nghĩa của chiến tranh. Những thước phim về nạn nhân da cam trên internet ngày đêm ám ảnh ông. Và năm 2008, ông quyết định bán công ty ở Mỹ, sang Việt Nam định cư. “Một quyết định mà cho đến giờ, tôi thấy hoàn toàn đúng đắn. Chính tôi và cả nước Mỹ đã nợ các bạn quá nhiều. Các công ty hóa chất không trả tiền cho các bạn thì chính chúng tôi, những cựu binh sẽ thay mặt họ”.

Ngay khi tới Đà Nẵng, Chuck tìm đến bà Hiền, trình bày nguyện vọng được giúp đỡ nạn nhân da cam. Và đó cũng là những bước đầu tiên, đặt nền móng cho sự có mặt của tổ chức “Cựu chiến binh vì hòa bình” tới Việt Nam. Chuck hiện đã nhập tịch, là công dân Việt. Ông tâm sự: “Tất nhiên tôi không quên mình là người Mỹ, gốc gác ở Mỹ. Tôi cũng không quên mình từng là lính Mỹ, đã từng cầm súng trên chiến trường miền Trung Việt Nam. Nhưng hôm nay đây, tôi đang là công dân của đất nước các bạn, giờ cũng là đất nước tôi. Cả cuộc đời chúng tôi vẫn chưa thể nào trả hết nợ”.

Sen Flynn, giám đốc một quỹ tình thương của Mỹ ở Việt Nam, hiện đang bảo trợ nuôi dưỡng 500 trẻ da cam, bộc bạch: “Tôi không cầm lòng được khi chứng kiến cuộc sống của hàng ngàn nạn nhân da cam, bằng cách nào đó, chúng tôi phải trực tiếp giúp đỡ các em”. Năm 2009, Sen Flynn làm đơn tình nguyện xin gia nhập Hội ở Đà Nẵng. “Tôi muốn càng đông người Mỹ xin làm hội viên càng tốt. Vì sao ư? Vì đó là trách nhiệm của chúng tôi, trách nhiệm xóa đi hận thù bằng yêu thương”.

Giáo sư Fred Wilcox, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Waiting For An Army To Die: The Tragedy Of Agent Orange” (Chờ một đội quân chết - Bi kịch của tác nhân da cam), trong một lần trò chuyện với tôi vào năm 2009, cũng là năm mà GS Wilcox vào Hội NNCđDC Đà Nẵng, ông kể: Mùa xuân năm 1978, tôi đến thăm Paul Reutershan, đây là những ngày cuối đời của người lính trực thăng thường xuyên làm nhiệm vụ qua những trảng rừng bị rải chất điôxin. “Đúng ngày 14/12 năm đó, tôi ở bên Paul, nhìn anh ấy trút hơi thở cuối cùng. Trước khi ra đi, anh ấy bắt tay tôi thật chặt, và thều thào: Tôi đã chết ở Việt Nam nhưng, bạn ơi, tôi thậm chí không hề biết điều đó”

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.