Ai trục lợi vỉa hè Hà Nội?- Bài 3: Nương tay hay 'bảo kê'?

Nhà hàng, quán cà phê phủ kín vỉa hè phố Thái Phiên cách trụ sở UBND quận Hai Bà Trưng chỉ chừng trăm mét . Ảnh: Tuấn Minh
Nhà hàng, quán cà phê phủ kín vỉa hè phố Thái Phiên cách trụ sở UBND quận Hai Bà Trưng chỉ chừng trăm mét . Ảnh: Tuấn Minh
TP - Thanh tra Thành phố cũng đã phát hiện nhiều vi phạm từ khâu cấp phép đến quản lý sau cấp phép. Tuy nhiên đến nay vi phạm vẫn tràn lan…

“Tạo điều kiện” vi phạm!

Nhằm làm rõ những sai phạm của cá nhân, doanh nghiệp trong sử dụng lòng đường, vỉa hè, nhóm PV Tiền Phong đã liên hệ với khá nhiều UBND các phường, các quận. Điều gây bất ngờ nhất là khi hỏi về các điểm trông giữ xe vi phạm, đại diện lãnh đạo các phường đều biết rất rõ nhưng lại cứ ậm ừ theo kiểu “đã nhắc rồi, đã xử lý rồi nhưng lại cứ tái diễn”, hoặc lặp lại điệp khúc “cảm ơn các anh thông tin, chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống xử lý ngay”. Điều đáng nói nữa là rất nhiều các điểm vi phạm đều nằm chềnh ềnh ngay sát trụ sở UBND quận, UBND phường, công an phường chứ không hề xa xôi gì nhưng nhiều cán bộ chức năng khi trả lời lại cứ làm ra vẻ “chỗ này tiếp giáp mấy phường, khó xử lý”, hoặc lại do “lực lượng mỏng, phương tiện thiếu”.

Trường hợp một nhà hàng tại phố Lý Thường Kiệt là một ví dụ. Thanh tra xây dựng quận Hoàn Kiếm biết rõ là tại đây xây dựng, cải tạo nhà lấn ra vỉa hè không giấy phép. UBND phường Hàng Bài cũng biết rõ việc kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại đây nhưng tất cả đều tìm cách “nói khéo”, né tránh vi phạm của nhà hàng. Ví dụ thứ hai là hàng loạt nhà hàng cà phê trên phố Thái Phiên lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, lập điểm đỗ xe kiếm bộn tiền nhiều năm qua gây nhức nhối dư luận nhưng ông Bùi Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) lại cho rằng: Đã yêu cầu các hộ kinh doanh hai bên tuyến phố ký cam kết không lẫn chiếm, nhưng vi phạm vẫn diễn ra. “Chúng tôi cũng liên tục ra quân xử lý ở khu vực phố Thái Phiên nhưng nói thật rất khó xử lý triệt để được. Tâm lý, ý thức của người dân, rồi mưu sinh cuộc sống hàng ngày của họ, trong khi lực lượng chức năng không thể có mặt 24/24 để mà xử lý”, ông Hải phân trần.

Một trường hợp khác đó là vi phạm của hàng loạt điểm đỗ xe trên phố Quán Sứ. Đại diện lãnh đạo UBND phường Hàng Bông thừa nhận vi phạm tại đây đã từng được xử lý nhưng vẫn tái diễn.

PV Tiền Phong đặt câu hỏi: Liệu có mối “quan hệ” nào giữa các doanh nghiệp vi phạm với cán bộ chức năng của phường không? Đại diện lãnh đạo phường Hàng Bông nói: “Không có quan hệ gì đặc biệt, chỉ là tạo điều kiện cho anh em kinh doanh thôi”. Có lẽ vì được phường “tạo điều kiện” nên phải chăng trên tuyến phố Quán Sứ, xe ô tô đỗ không phép dưới lòng đường kéo dài gần như cả tuyến, thu tiền vô tội vạ. Nếu tính mỗi lượt gửi xe theo đúng giá quy định là 30 000 đồng đến 50 000 đồng/2 giờ đầu nhân với hàng vạn lượt xe dừng đỗ trái phép thuộc quản lý của các ‘bến cóc” giăng đầy các tuyến phố mỗi ngày thì số tiền thu được là không hề nhỏ.

Hoặc như ngay trước cửa Quận ủy Hoàn Kiếm, nhà hàng Mondo 30A Bà Triệu thường xuyên đỗ xe, kinh doanh trái phép trên vỉa hè kéo dài nhiều năm qua, chắn chắn nhiều cán bộ của quận này biết rất rõ. Quá trình đi tìm hiểu vụ việc, PV Tiền Phong còn được biết, những đợt ra quân xử lý điểm đỗ xe trái phép, vi phạm thu được kết quả rất thấp vì chủ của các điểm trông giữ này dường như đều đã biết trước thông tin nên kịp thời có biện pháp đối phó, ra vẻ chấp hành vài ngày rồi đâu lại vào đấy.

Có dấu hiệu dung túng vi phạm

 

Bãi đỗ xe ô tô, nhà hàng kinh doanh trên tuyến phố Quán Sứ nhiều lần vi phạm và đã bị xử phạt nhưng không hiểu vì lý do gì mà UBND quận Hoàn Kiếm hết lần này đến lần khác đều cho phép gia hạn giấy phép.

“Giấy phép đỗ xe ô tô do quận cấp chỉ có giá trị trong sáu tháng, nhưng cứ hết hạn thì quận lại cấp tiếp. Khi tôi về đây công tác thì đã có điểm đỗ xe này rồi, thời gian cũng đã tới 5-6 năm”, vị cán bộ có trách nhiệm của UBND phường Hàng Bông phân trần. UBND phường Hàng Bông thừa nhận nếu cấp phép như hiện nay, cho ô tô đỗ vuông góc với vỉa hè đến sát tường thì sẽ không còn vỉa hè cho người đi bộ. “Đây là giấy phép do quận cấp nên chúng tôi không thể có ý kiến”.

Kết luận của Thanh tra Thành phố khẳng định, Sở GTVT  chưa tham mưu UBND thành phố phê duyệt quy hoạch sử dụng tạm hè phố lòng đường; chưa ban hành văn bản hướng dẫn chính quyền địa phương. UBND các quận cũng chưa lập quy hoạch và danh mục các điểm bãi đỗ xe tạm trên các tuyến được phép trên địa bàn theo chỉ đạo của thành phố. “Từ năm 2012 đến 2014, Sở GTVT không tổ chức thanh tra đối với UBND các quận về việc quản lý, khai thác, sử dụng hè phố”, Thanh tra thành phố nêu rõ.

Ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho rằng, việc xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị phải đảm bảo các tiêu chí như mặt đường, mặt hè luôn sạch sẽ. Các điểm trông giữ xe phải được bố trí hợp lý, chứ cấm mà không có chỗ để thì dễ dẫn đến vi phạm. Các lực lượng quản lý phải xử lý triệt để chứ không thể nương nhẹ hay dung túng cho sai phạm được.

“Với ý thức kinh doanh buôn bán lâu nay của người dân còn kém nếu không kiên trì tuyên truyền, xử phạt nghiêm thì rất khó thành công. Chẳng hạn việc sắp xếp các chợ dân sinh, các chợ cóc trên địa bàn như ở khu vực cầu Lũ tồn tại rất lâu, gây bức xúc về ách tắc giao thông, nhiều lần ra quân xử lý nhưng vẫn tồn tại. Thậm chí cán bộ tại đây có dấu hiệu dung túng cho vi phạm nhưng khi chúng tôi phân rõ trách nhiệm, duy trì lực lượng hàng ngày, hàng tuần tập trung xử lý nên sau một thời gian đã dẹp bỏ được”, ông Thái phân tích.

Theo ông Thái, vi phạm về lấn chiếm vỉa hè để làm nơi kinh doanh buôn bán luôn là vấn đề “nóng”, có hàng quán bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn lặp lại vi phạm: “Bộ mặt của các tuyến phố có sach, đẹp hay không tuỳ thuộc nhiều vào hành động của lực lượng sở tại. Đối với những phường để vỉa hè bị tái chiếm nghiêm trọng có thể quy trách nhiệm cho lãnh đạo đơn vị đó chứ không chỉ cứ hô hào khẩu hiệu hay ra quân theo phong trào”, ông Thái nói.

MỚI - NÓNG