Ai sẽ thay thế Hillary Clinton?

Ai sẽ thay thế Hillary Clinton?
Ngay sau khi đắc cử, Tổng thống Barack Obama cần phải làm ngay một việc, đó là tìm người thế chỗ cho Ngoại trưởng Hillary Clinton trong chính quyền sắp tới của ông.

Ai sẽ thay thế Hillary Clinton?

> Ông Obama giấu vụ ngoại tình của giám đốc CIA?

> Hai phụ nữ trong vụ bê bối cựu giám đốc CIA

Ngay sau khi đắc cử, Tổng thống Barack Obama cần phải làm ngay một việc, đó là tìm người thế chỗ cho Ngoại trưởng Hillary Clinton trong chính quyền sắp tới của ông.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
 

Trước đó, bà Clinton đã nói rằng bà sẽ không tiếp tục vị trí Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ tới. Vấn đề cho ông Obama lúc này là: nên chọn ai trong số các ứng viên hiện có.

Các ứng viên sáng giá nhất lúc này có thể kể đến là bà Susan Rice - Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Thượng nghị sĩ John Kerry, cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon, Thượng nghị sĩ Richard Lugar.

Sáng giá nhất trong danh sách này là Đại sứ Susan Rice. Trong vai trò là đại diện của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Rice luôn là người được chính quyền chỉ định trong các cuộc đàm phán khó khăn với Nga và Trung Quốc về các vấn đề từ trừng phạt Iran cho tới làm việc với quân nổi dậy Libya và xử lý tình huống đối với vấn đề Syria.

Vị thế của bà Rice trong chính quyền lại càng nổi lên rõ nét hơn trong cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập khi Tổng thống Barack Obama đi theo các chính sách đối ngoại mang tính lý tưởng hóa mà bà Rice là một trong những người đề xuất.

Tuy nhiên, sau sự kiện đại sứ Mỹ tại Benhazi bị ám sát, khả năng bổ nhiệm bà Rice cũng bị tác động phần nào. Vì ngay sau khi sự việc diễn ra, bà Rice đã mô tả đây là một cuộc nổi dậy đơn thuần của những người biểu tình sau khi bộ phim phỉ báng đạo Hồi bị phát hiện tại Mỹ.

Mặc dù bà chỉ dựa trên các kết luật của cơ quan tình báo Mỹ vào thời điểm đó, nhưng cá nhân bà vẫn không thể tránh khỏi chỉ trích không thương tiếc từ phía Đảng Cộng hòa vì cách chính quyền Obama xử lý tình huống. Chắc chắn trong vài tháng tới, vấn đề này tiếp tục được nêu tại Quốc hội Mỹ. Hiện có báo cáo cho rằng các quan chức đương nhiệm và từng tại vị vẫn cho rằng bà Rice đang dẫn đầu trong số các ứng viên thay thế Ngoại trưởng Clinton.

Một ứng viên triển vọng khác cho vị trí này là Nghị sĩ bang Massachusetts John Kerry. Ông hiện là Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Thượng viện. Ông Kerry đã từng được cân nhắc đặt vào vị trí đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ kể từ khi ông Obama đắc cử nhiệm kỳ trước, nhưng kết quả cuối cùng lại thuộc về bà Clinton.

Nghị sĩ John Kerry, Đại sứ Susan Rice, Ngoại trưởng Hillary Clinton
Nghị sĩ John Kerry, Đại sứ Susan Rice, Ngoại trưởng Hillary Clinton.
 

Sau đó, Nghị sĩ Kerry vẫn tiếp tục phụng sự Tổng thống trong vai trò là đặc phái viên không chính thức đàm phán với các lãnh đạo nước ngoài trong nhiều trường hợp khác nhau. Thực tế này đã giúp ông thiết lập một mối quan hệ tốt với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và các quan chức Pakistan. Điều này sẽ rất hữu ích cho chính quyền Washington khi tiếp tục đàm phán và định hình mối quan hệ Mỹ - Afghanistan sau khi rút quân vào năm 2014.

Nhưng bổ nhiệm ông Kerry sẽ không suôn sẻ như với trường hợp của Đại sứ Susan Rice. Nhiều người trong giới chính sách đối ngoại có thể cân nhắc vấn đề này với thực tế rằng ông Kerry hầu như sai trong mọi vấn đề thuộc chính sách đối ngoại chính trong vòng hai thập kỷ qua, từ việc ông phản đối cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất cho tới việc ông ủng hộ cuộc chiến lần hai, ông phản đối phong trào Iraq và ủng hộ chiến tranh Afghanistan. Những ghi nhận này rất khó tạo nên sự tự tin trong những lời khuyên mà ông đưa ra với Tổng thống.

Mặc dù với ưu thế từng là ứng viên Tổng thống vào năm 2004, lại là Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Thượng viện, ông Kerry nếu đảm trách vai trò Ngoại trưởng cũng có những ưu thế nhất định. Nhưng một vấn đề khác mà ông Obama phải tính đến là, nếu chọn Kerry làm Ngoại trưởng, ai sẽ thay thế Kerry trong vai trò Thượng nghị sĩ bang Massachusetts tại Thượng viện?

Trong khi vẫn còn nhiều ứng viên khác từ đảng Dân chủ đủ tiêu chuẩn để đảm nhiệm vị trí này, bao gồm cả Cố vấn an ninh Quốc gia của ông Obama là Tom Donilon, vẫn không thể loại trừ khả năng chính quyền Obama sẽ chọn ứng viên phù hợp từ các đảng khác.

Trong một nỗ lực nhằm giải tỏa thế bế tắc giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, nhiều người hy vọng rằng việc bổ nhiệm một người phe Cộng hòa vào nội các có thể là một động thái hợp lý. Và nếu như khả năng đó trở thành hiện thực thì phe Cộng hòa có thể tiến cử ra một vài gương mặt nổi trội. Đó có thể là Richard Lugar, Nghị sĩ bang Indiana dày dặn kinh nghiệm.

Nghị sĩ bang Indiana Richard Lugar
Nghị sĩ bang Indiana Richard Lugar.
 

Là một quan chức cấp cao trong Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Thượng viện, và từng giữ chức Chủ tịch ủy ban này hai lần, Lugar quá thông thạo về các vấn đề chính sách đối ngoại rộng lớn. Ông là người đặc biệt mạnh mẽ trong việc tái sinh lại thỏa thuận an ninh hạt nhân với Nga, là đồng tác giả của luật trong vai trò là Thượng nghị sĩ, trong khi vẫn đưa ra những lời khuyên cần thiết về các vấn đề hạt nhân để thúc đẩy theo hướng một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới với Moscow.

Lugar cũng là đồng sự của Kerry trong việc soạn thảo luật quan trọng để viện trợ phi quân sự cho Pakistan, ủng hộ chính sách của chính quyền đối với Iran, tham gia sâu vào vấn đề châu Á - Thái Bình Dương. Ông cũng không che dấu sự không hài lòng của mình đối với việc ứng viên Mitt Romney muốn gọi Trung Quốc là thao túng tiền tệ.

Trở ngại lớn nhất trong việc bổ nhiệm Lugar chính là tuổi tác, khi năm nay ông đã hơn 80 tuổi. Mặt khác, ông lại thiếu đi cái gọi là 'sức mạnh của ngôi sao' như Colin Powell hay Hillary Clinton sở hữu.

Xét cho cùng, sau khi điểm qua một loạt ứng viên tạm nói là sáng giá nhất cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ, dường như chưa có ai đủ gọi là 'ngang tầm' với Ngoại trưởng Hillary Clinton. Và có thể, nhiều người sẽ còn nhớ tới bà và cảm thấy điều gì đó còn 'thiếu' trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của Barack Obama.

Lê Thu
Theo Diplomat/FP, Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG