Thanh toán điện tử ngày càng phổ biến, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Tuy nhiên, để sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, người dùng phải có tài khoản ngân hàng, và mới chỉ có hơn 60% dân số trưởng thành đáp ứng được điều kiện này. Để phát huy lợi thế của gần 130 triệu thuê bao di động hiện có, độ phủ sóng mạng di động lên tới 99,8% số dân, ngày 9/3/2021, Thủ tướng ký quyết định cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Bước đầu sẽ thí điểm ưu tiên triển khai tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam.
Thí điểm Mobile Money được kỳ vọng giúp phần lớn người dân được tiếp cận với phương thức thanh toán điện tử hiện đại và thuận tiện nhất. Chỉ với số thuê bao đăng ký chính danh, một điện thoại, người dân có thể thực hiện nhiều dịch vụ như nộp tiền điện, thanh toán khoản cho giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ mệnh giá nhỏ, hướng tới giảm bớt chi phí thủ tục hành chính.
Nhiều người dân nông thôn chưa có tài khoản ngân hàng cũng ngóng chờ thí điểm Mobile Money. Đây được coi là giải pháp “bình dân hoá” dịch vụ tài chính số, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang bùng nổ ở các đô thị lớn, không gian mạng thời gian qua.
Với Mobile Money, NHNN xác định phải xây dựng theo hướng bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Quản thế nào?
Hiện nay, cả nước có 3 doanh nghiệp đủ điều kiện và sẵn sàng hạ tầng để tham gia đề án thí điểm Mobie Money. Với thế mạnh có mạng lưới hàng nghìn điểm giao dịch trên toàn quốc, nhất là tại vùng sâu, xa, hải đảo; nhân lực đã qua đào tạo, doanh nghiệp viễn thông dự kiến trong quý 2/2021 có thể triển khai Mobile Monery.
Ba doanh nghiệp đủ điều kiện thí điểm Mobile Money gồm: Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel). Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, khi triển khai Mobile Money, thị trường có thêm nhà cung cấp dịch vụ TTKDTM, tăng cường điều kiện để dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, Mobile Money được phát triển dựa trên tận dụng hạ tầng viễn thông nên sẽ giảm các chi phí xã hội để phát triển TTKDTM.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, thí điểm Mobile Money là việc làm tích cực, cần thiết để thúc đẩy TTKDTM. Nhìn từ thói quen tiêu dùng, thương mại điện tử thay đổi, phát triển trong đại dịch COVID-19, ông Thịnh cho rằng, đã đến lúc phải phát triển rộng hơn nữa phương thức thanh toán công nghệ cao tới các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. “Tuy nhiên, Mobile Money có thể bị sử dụng vào những hoạt động không đúng chuẩn mực, buôn gian bán lận, đánh bạc. Vì vậy, việc quản lý sim điện thoại của nhà mạng rất quan trọng, tránh để xảy ra rối loạn hệ thống, dùng tiền sai mục đích”, ông Thịnh cảnh báo.