Theo Hiệp hội Cà Phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 385.000 tấn cà phê, với trị giá khoảng 1,25 tỷ USD, tăng 15,1% về lượng và tăng 67,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính 5 tháng đầu niên vụ cà phê (từ tháng 10/2023 đến tháng 3 năm nay), Việt Nam xuất khoảng 764.802 tấn cà phê, kim ngạch trên 2,36 tỷ USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 39,4% về giá trị so với cùng kỳ niên vụ trước. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân Robusta đạt gần 1,84 tỷ USD, cà phê nhân Arabica hơn 56,6 triệu USD, cà phê nhân đã khử caffeine đạt gần 3,2 triệu USD. Cà phê chế biến (rang xay và hòa tan) có giá trị xuất khẩu hơn 401 triệu USD.
Xét về khối lượng cà phê nhân sống (cà phê nguyên liệu) xuất khẩu trong 5 tháng đầu niên vụ, các doanh nghiệp Việt chiếm phần lớn.
Đáng chú ý, trong nhóm 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan lại hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, Nestle Việt Nam (Thụy Sĩ) dẫn đầu với khoảng 57,5 triệu USD; tiếp đến là Outspan Việt Nam (Công ty con của tập đoàn nông sản hàng đầu thế giới OLAM - Ấn Độ); Cà phê Ngon (Ấn Độ); Tập đoàn Trung Nguyên, Iguacu Việt Nam (Nhật Bản), URC Việt Nam (Philippines), Tata Coffee Việt Nam (Ấn Độ); Insatanta Việt Nam (châu Âu), Sucafina Việt Nam và Công ty Cổ phần Quốc tế thực phẩm Lựa chọn đỉnh.
Thị phần cà phê chế biến của Việt Nam đang thuộc phần lớn vào tay các doanh nghiệp FDI. |
Ở niên vụ 2022/2023, theo thống kê, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu cà phê nhân sống chiếm hơn 33 % về giá trị và 71,7% về giá trị cà phê chế biến (rang xay và hòa tan).
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Vicofa - cho rằng, hiện tỷ lệ cà phê chế biến sâu xuất khẩu của Việt Nam rất thấp, doanh nghiệp Việt chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô cho đối tác nước ngoài.
Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp Việt hầu hết đều có quy mô nhỏ, khó khăn về vấn đề vốn. Để đầu tư một hệ thống chế biến cà phê hoà tan mới hoàn toàn với công suất 3.000 tấn/năm, chi phí bỏ ra khoảng 30 triệu USD (tương đương khoảng 600 tỷ đồng), vượt khả năng của các doanh nghiệp.
Theo ông Hải, vì không có vốn để đầu tư máy móc, nhiều doanh nghiệp chọn cách rang xay thủ công phục vụ khách hàng châu Âu, chấp nhận mỗi tháng xuất khẩu 1-2 container để duy trì sản xuất, lợi nhuận. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI có tiềm lực về vốn, công nghệ và thị trường đang ngày càng gia tăng, mở rộng thị phần. Dù khối lượng xuất khẩu ít, nhưng việc đầu tư vào chế biến sâu giúp các doanh nghiệp FDI khai thác giá trị cao.
"Các FDI đẩy mạnh đầu tư vào ngành cà phê Việt Nam để hưởng lợi hai lợi thế: vùng nguyên liệu cà phê Việt Nam rất phong phú, từ đó có thể tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có. Cùng đó, việc Việt Nam tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do, mức thuế đã được giảm về 0% rất ưu đãi nên doanh nghiệp FDI đều muốn nhảy vào thị trường chế biến cà phê", Chủ tịch Vifoca cho hay.
Theo các chuyên gia, hiện hãng cà phê rang xay hàng đầu trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường xuất khẩu của cà phê chế biến, mỗi nhà máy có công suất lên tới 10.000 tấn/năm, thậm chí có nơi đạt 15.000 tấn/năm.