Ai cầm đầu đường dây bán sổ hộ khẩu giả vừa bị phá ở Hà Nội

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giả được cảnh sát thu giữ
Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giả được cảnh sát thu giữ
TP - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết vừa  khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”

Ngày 14/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết vừa  khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.

Các bị can trong vụ án gồm: Nguyễn Thành Luân (SN 1988, quê tỉnh Hưng Yên); Bùi Thị Hương Quỳnh (SN 1995, quê tỉnh Thanh Hóa); Bùi Anh Thắng (SN 1993, trú quận Bắc Từ Liêm); Trịnh Xuân Thắng (SN 1995, quê tỉnh Thanh Hóa) và Nguyễn Thị Sáu Hạ (SN 1981, trú quận Long Biên).

Quá trình điều tra, cảnh sát xác định Trịnh Xuân Thắng là đối tượng cầm đầu đường dây làm giả con dấu, tài liệu. Khám xét nơi ở của Thắng, cảnh sát thu giữ 4 laptop, một máy in màu, một máy ép plastic, một máy làm các loại dấu, một máy in thường, 16 chiếc điện thoại di động, 55 thẻ sim điện thoại.

Ngoài ra, cơ quan công an cũng thu giữ 60 hình dấu giả của các cơ quan công an, UBND các quận, các công ty, ngân hàng trên địa bàn TP Hà Nội cùng nhiều sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giả, phôi sổ hộ khẩu chưa có thông tin bên trong; nhiều giấy xác nhận giả của cơ quan Nhà nước…

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai, Nguyễn Thị Sáu Hạ mua phôi sổ hộ khẩu với giá 2 triệu đồng, sổ tạm trú giá 1,5 triệu đồng rồi bán lại cho Trịnh Xuân Thắng để Thắng ký và đóng dấu giả. Còn các con dấu của cơ quan Nhà nước, cơ quan công an, các công ty, ngân hàng các đối tượng mua trên mạng xã hội Zalo, Facebook.

Sau khi rao bán trên mạng xã hội, khách hàng cung cấp thông tin, các đối tượng dùng phôi để đóng dấu và ký chữ ký giả bán cho người có nhu cầu.

Trung tá Đoàn Văn Đông - Đội trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, các đối tượng rao bán trên mạng internet. Mỗi cuốn số hộ khẩu giả được bán ra khoảng 20 triệu đồng, qua đó nhóm này thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Phần lớn các cá nhân mua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giả đều không có nhà ở tại Hà Nội. Có nhiều trường hợp dùng chính những cuốn sổ giả này để thực hiện mục đích lừa đảo bằng cách đăng ký mua nhà ở xã hội, vay vốn ngân hàng... Nếu trót lọt, mỗi một hồ sơ có thể trục lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. 

MỚI - NÓNG