“Kim thiền thoát xác”
Nhan nhản sản phẩm Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt không giới hạn ở bất cứ nhóm hàng hóa nào, phổ biến từ cao cấp đến bình dân; từ củ khoai tây, củ hành, củ tỏi… đến quần áo, máy móc, sản phẩm xây dựng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Cục Hải quan TPHCM cho biết, từ tháng 6/2017 đến nay đã phát hiện và bắt giữ hơn 13 lô hàng áo quần, giày dép, phụ kiện, máy in... của 5 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu được gắn mác “Made in Vietnam”. Đặc biệt, nhiều mặt hàng thời trang mang thương hiệu nổi tiếng hoặc dạng hàng xuất khẩu gắn mác Việt nhưng lại được nhập từ Trung Quốc. Theo cơ quan chức năng, những lô hàng này thường được nhập vào Việt Nam dạng tạm nhập, tái xuất qua Campuchia, Lào hoặc “trà trộn” rồi tuồn vào tiêu thụ trong nước.
Không chỉ hàng may mặc, rất nhiều ngành hàng khác cũng tình trạng tương tự. Tháng 6/2016, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện gần 5.000 thùng gạch men được nhập từ Trung Quốc song qua kiểm tra, toàn bộ trên bao bì sản phẩm ghi nhãn hiệu R.P, được sản xuất tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A (Bà Rịa-Vũng Tàu) của công ty gạch men H.G.
Hàng chục năm nay, trung bình mỗi đêm, ba chợ đầu mối nông sản lớn nhất ở TPHCM là Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền đều tiếp nhận hàng trăm tấn rau củ quả từ Trung Quốc. Từ đây, hàng lan tỏa, cắm rễ ở khắp các quận huyện, tỉnh, thành lân cận. Bà N. (tiểu thương quầy hàng bông chợ Thủ Đức) kể: “Tôi chủ yếu bán hàng của Đà Lạt, nhưng rất nhiều thương lái giới thiệu rau củ Trung Quốc vừa đẹp, lâu hư, giá lại rẻ. Dò hỏi nhiều lần, tui biết hàng rẻ là do họ mua hàng tận ruộng ở Trung Quốc với giá rẻ mạt, rồi bán vào chợ đầu mối ở Việt Nam với giá cạnh tranh. Bình thường các loại hành, tỏi giao cho tiểu thương chưa tới 10.000 đồng/kg, trong khi hàng trong nước giá gấp đôi, gấp ba”.
Chi cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra cửa hàng Khaisilk.
Tự mình cứu mình
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVN CLC) cho biết: Mấy năm nay, qua cuộc điều tra người tiêu dùng mà Hội tổ chức, chúng tôi thấy ở các ngành này có nhiều DN “qua đời” lặng lẽ vì cạnh tranh không được. Chẳng hạn như ngành gạch, kính, thiết bị vệ sinh Việt Nam... thi nhau rớt khỏi cuộc chơi. “Tôi từng đến làng Thổ Tang (Vĩnh Phúc), nơi trung chuyển nhiều hàng Trung Quốc, phục ở đó mấy đêm, thấy đường dây phân phối thật khủng. Nhiều DN HVN CLC trước hăng hái “Bắc tiến”, thì nay không ít lui về vì chịu không nổi hàng Trung Quốc. Có DN từng kể ở KCN Bắc Ninh, người Trung Quốc nhập giấy đã thành phẩm, xong dán nhãn Việt đem bán với giá thấp... giết hết các hãng sản xuất giấy Việt” - bà Hạnh nói.
Theo bà Hạnh, trong khi hàng Trung Quốc làm giả, gian lận thương mại, có độc tố... vẫn cứ “thênh thang” trên thị trường bằng ưu ái, bằng sự ngần ngại “đụng”, bằng đường tiểu ngạch... thì hàng Việt còn lâu mới vươn lên cạnh tranh cùng họ, chứ đừng nói thắng họ. “Và khi biết thua kém hàng nhiều nước, trong đó có hàng Trung Quốc, chúng ta đã làm gì để bảo vệ nền kinh tế của mình, cũng là bảo vệ sự độc lập của mình và nhất là bảo vệ DN của mình?” - bà Hạnh đặt câu hỏi.
Ông Lý Thành Sinh - Tổng giám đốc Công ty CP May thêu Minh Long Hưng: Phải trung thực với chính mình và khách hàng
Để gây dựng được thương hiệu Việt đã khó, giữ được thương hiệu đó với cam kết uy tín, chất lượng còn khó hơn. Trong bối cảnh hàng Trung Quốc chiếm 70% sản phẩm ngành may mặc. Hàng Việt trong nước, thậm chí xuất khẩu đều dính phải hàng nhái, hàng giả. Do đó DN chân chính khẳng định chất lượng, vị thế của mình với người tiêu dùng là cả một quá trình dài, vô cùng gian nan. Chúng tôi rất cần sự vào cuộc của nhà nước về một cuộc cách mạng hàng tiêu dùng, bảo vệ DN nội, không để tình trạng làm ăn chụp giật, chạy theo lợi nhuận tồn tại. Vụ Khaisilk một lần nữa như hồi chuông cảnh báo DN Việt phải làm ăn chân chính, trung thực với chính mình và với khách hàng. Bởi nếu không, sớm muộn gì cũng sẽ bị loại ra khỏi thị trường, “tự mình giết mình”.
Tạm giữ hơn 1.000 sản phẩm tại cửa hàng của Khaisilk TPHCM
Chiều ngày 1/11 , Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, sau khi kiểm tra các cửa hàng Khaisilk trên địa bàn, nơi đây đã thu giữ, niêm phong khoảng 10 thùng hàng, ước tính hơn 1.000 sản phẩm là khăn choàng, lụa, cà vạt, áo… Đại diện Chi cục cho biết, việc tạm giữ số hàng này là nhằm tiếp tục làm rõ có hay không những hành vi vi phạm của thương hiệu Khaisilk. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra sổ sách, chứng từ và dùng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, xử lý theo quy định. Tại TPHCM có 8 chi nhánh Khaisilk, trong đó có 4 cửa hàng thời trang, 4 cửa hàng kinh doanh nhà hàng khách sạn.