Agribank góp phần phát triển nông nghiệp - du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có đặc thù lớn về hệ thống kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài hơn 28.000km, tạo thành một vùng châu thổ trù phú với cảnh quan hữu tình và tính đa dạng sinh học cao, là tiềm năng du lịch độc đáo không chỉ riêng Việt Nam mà cả với thế giới. Với quá trình phát triển, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước đầu liên kết phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng hình ảnh trong thị trường

Từ nguồn vốn tín dụng của Agribank, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành những mô hình sản xuất - du lịch nông nghiệp hiệu quả và có tính bền vững.

Tiềm năng phát triển làng nghề gắn kết với du lịch

Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 210 làng nghề tiểu thủ công, có nhiều làng nghề chỉ nhắc đến, người ta liền liên tưởng ngay tới những sản phẩm đặc trưng của nó. An Giang có làng dệt thổ cẩm, đường thốt nốt, mắm cá; Vĩnh Long có làng nghề làm gốm, nghề đan lát; Sóc Trăng có bánh pía, lạp xưởng; Tiền Giang có làng tủ thờ, làng nón bàng buông, mắm tôm chà; Bến Tre có kẹo dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm ra từ cây dừa; Kiên Giang có nước mắm, khô mực; Đồng Tháp có làng hoa kiểng, bonsai, cổ thụ… Sự phát triển của làng nghề thủ công mỹ nghệ đã đem về lượng doanh thu hàng ngàn tỷ đồng và nguồn ngoại tệ hàng chục triệu USD thông qua xuất khẩu sản phẩm cho khoảng 50 nước trên thế giới. Các làng nghề đã giải quyết một lượng rất lớn lao động nông nhàn, góp phần làm tăng thu nhập cho người dân. Thu nhập của người lao động tham gia vào các làng nghề tăng gấp 3-4 lần so với khoản thu nhập chỉ duy nhất là làm nông nghiệp.

Mỗi làng nghề có một loại sản phẩm đặc trưng cho mỗi tỉnh trong vùng. Thời gian qua, một số tỉnh ở khu  vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nắm bắt các cơ hội để phát triển du lịch, thu hút du khách bằng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương mình. Ngược lại, khách du lịch cũng có thể giúp quảng bá cho làng nghề thủ công truyền thống một cách rất hiệu quả. Do đó, việc phát triển làng nghề gắn kết du lịch là xu hướng tất yếu của các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng hiện nay, khu vực này mới có khoảng 30% số làng nghề gắn với hoạt động du lịch. Chính vì thế, việc gắn kết du lịch với phát triển làng nghề tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề tất yếu.

Agribank góp phần phát triển nông nghiệp - du lịch Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Nông nghiệp gắn với du lịch đang là thế mạnh phát triển kinh tế 
vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, tỉnh An Giang có 34 làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với dịch vụ phát triển du lịch, trong đó có 26 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Đặc biệt, 14 làng nghề truyền thống đã tồn tại từ trên 50 năm: Nghề rèn Phú Mỹ (Phú Tân), nghề dệt gấm Mỹ A (thị xã Tân Châu), làng dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong (Thị xã Tân Châu) trên 100 năm, làng nghề mộc Chợ Thủ (Chợ Mới) xuất hiện từ giữa thế kỷ XVIII… cũng là những địa chỉ thu hút du khách. Vài năm trở lại đây, An Giang có thêm nhiều làng nghề mới sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng được khách du lịch ưa chuộng, xuất khẩu nhiều, được làm từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương: nghề dệt chiếu Uzu, mỹ nghệ tre bông, tranh lá thốt nốt, thắt bính lục bình.

Trong quá trình gắn kết du lịch với phát triển làng nghề thủ công nghiệp, trên địa bàn An Giang đã hình thành 6 điểm "gắn kết" với tuyến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng xã Mỹ Hòa Hưng với làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh; làng nhang Bình Đức (thành phố Long Xuyên), làng nghề dệt thổ cẩm Châu Giang (thị xã Tân Châu) gắn với Trung tâm Du lịch cộng đồng Châu Phong; làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo, làng nghề sản xuất đường thốt nốt An Phú (Tịnh Biên) gắn với mô hình du lịch nông nghiệp; làng nghề mộc Chợ Thủ gắn với mô hình du lịch sinh thái Cù lao Giêng.

Từ gắn kết du lịch với hoạt động làng nghề thủ công nghiệp có trên 6.300 hộ dân với gần 20 ngàn lao động nông thôn có thêm việc làm, thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/tháng. Hằng năm, giá trị hàng hóa từ các làng nghề tiểu thủ công nghiệp đạt trên 500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu trên 300 ngàn USD. 

Bến Tre xứ dừa đang sở hữu 45 làng nghề được công nhận (có 27 làng nghề nông nghiệp và 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp). Trong đó có 19 làng nghề truyền thống; 7 nhóm nghề của 63 ngành nghề nông thôn với 30.552 cơ sở. Nhiều làng nghề đã được công nhận và thu hút khách hàng cũng như khách du lịch: Làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa ở Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre; làng nghề dệt chiếu ở Nhơn Thạnh (thành phố Bến Tre), An Hiệp (huyện Châu Thành); làng nghề hoa kiểng, cây giống Vĩnh Thành (Cái Mơn) và các xã của huyện Chợ Lách; làng nghề đúc lu Hòa Lợi, làng nghề bó chổi cọng dừa ở xã Mỹ An, làng nghề đan lát Phước Tuy (Thạnh Phú); làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phú Lễ (Ba Tri); làng nghề cá khô ở An Thủy (Ba Tri), Bình Thắng (Bình Đại); làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm)… với doanh thu hằng năm ở các làng nghề này là hàng trăm tỷ đồng (chiếm khoảng 26% giá trị sản xuất công nghiệp) và thu hút trên 20.000 lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Với sự đa dạng về ngành nghề, các sản phẩm đã được bán trên khắp cả nước và còn xuất khẩu ra nước ngoài, được khách hàng, du khách rất ưa chuộng…

Dừa là loại cây đặc trưng gắn liền cùng cuộc sống người dân nơi đây, những rừng dừa bao phủ ba dải cù lao với 63.000ha đã chiếm trên 1/3 diện tích dừa của cả nước. Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bến Tre Lê Văn Luông chia sẻ: "Thời gian gần đây, du lịch Bến Tre thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau, họ thích tham gia loại hình du lịch sinh thái, chạy xe đạp vòng quanh các tuyến đường ở nông thôn để tìm hiểu chợ nông thôn, tận mắt ngắm nhìn cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân xứ dừa. Các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh và ngoài tỉnh, trong chương trình tour du lịch Bến Tre cũng đưa du khách đến tham quan trải nghiệm những nét độc đáo của làng nghề ở Bến Tre. Đặc biệt là hai làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, Giồng Trôm) và bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, Giồng Trôm) đã được nhiều du khách biết đến, đặc biệt là khách du lịch quốc tế".

Agribank góp phần phát triển nông nghiệp - du lịch Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2

Du lịch sinh thái nông thôn đang phát triển mạnh ở Bến Tre

Mỗi một làng nghề là một nét văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa của vùng. Du lịch phát triển tạo thêm cơ hội đầu tư cho các làng nghề, tạo việc làm cho người dân; tạo cơ hội xuất khẩu sản phẩm thủ công truyền thống; tạo cơ hội giao lưu văn hóa bản địa và văn hóa của khách du lịch nước ngoài; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ; kích thích phát triển cơ sở hạ tầng thông qua hoạt động du lịch; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của làng nghề.

Ca dao có câu: Cần Thơ có bến Ninh Kiều/Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân... Bến Ninh Kiều nay được người dân xứ Tây Đô gọi là công viên Ninh Kiều, là một bến nước, địa danh du lịch và văn hóa được hình thành từ thế kỷ 19. Bến Ninh Kiều, nơi nhìn ra dòng Hậu Giang dạt dào phù sa, nằm ở vị trí đắc địa, giao thoa hữu ngạn sông Hậu, ngay ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, gần trung tâm thành phố Cần Thơ.

Điều hấp dẫn du khách là từ bến Ninh Kiều có nhiều tàu nhỏ chở du khách đi về miệt vườn Cần Thơ hay chợ nổi Cái Răng. Chính vì thế mà khách du lịch về với Cần Thơ “gạo trắng nước trong” cũng là đến với du lịch gắn bó với miệt vườn, với sản phẩm của nông dân, nông nghiệp. Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút khi chúng ta đi bằng thuyền từ Bến Ninh Kiều. Theo truyền thuyết, tên gọi Cái Răng xuất phát từ câu chuyện hồi đầu thời khẩn hoang có con cá sấu rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miệng đất này. Sở dĩ nơi đây gọi là chợ nổi vì nó trôi nổi trên sông.

Agribank góp phần phát triển nông nghiệp - du lịch Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 3

Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)

Những vườn trái cây sai trĩu quả có khắp các tuyến đường bộ và đường thủy ở thành phố Cần Thơ. Rất nhiều miệt vườn trái cây lớn dành cho du khách như Mỹ Khánh, vườn nhà ông Sáu Dương, vườn lan Bình Thủy, vườn vòng cung trên các tuyến sông Phong Điền, Phụng Hiệp và nhiều vườn du lịch gia đình khác ở Ô Môn, Thốt Nốt. Đến đây, du khách có thể đi dạo trong vườn, hít thở không khí trong lành mát mẻ, tự tay hái quả để thưởng thức mà không lo về vấn đề an toàn thực phẩm. Nếu quý khách muốn nghỉ đêm, thì ở đây cũng có những khu nhà nghỉ nhỏ xinh nằm thấp thoáng dưới những bóng cây xanh rợp mát, với giá cả bình dân.

Ngoài những vườn trái cây trĩu quả, làng hoa Bà Bộ được xem như một trong những điểm du lịch Cần Thơ khá thú vị góp phần làm phong phú thêm các chuyến du lịch miệt vườn tại quận Bình Thủy. Hiện nay, nơi đây đã có gần 250 hộ trồng hoa với những loại hoa chủ yếu là cúc vạn thọ, hướng dương, hoa trang, hoa mai vàng và hoa hồng. Với diện tích đất trồng gần 20 ha, đến đây du khách hoàn toàn có thể thoải mái nhìn ngắm và chụp những bức hình đẹp kỉ niệm với từng vườn hoa khác nhau.

Agribank góp phần phát triển nông nghiệp - du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Thời gian vừa qua, tại khu vực Cù lao Giêng, huyện Chợ Mới (An Giang), Agribank đã phối hợp với Hội Nông dân thành lập 13 tổ liên kết để cho các hộ nông dân vay vốn phát triển nhà vườn làm du lịch và chăn nuôi bò. Chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí nạo vét gần 20 công trình thủy lợi. Trong khi đó Agribank cam kết sẽ cho vay tín chấp với hạn mức đến 5 tỷ đồng/dự án phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, địa phương cũng trích một phần ngân sách để tạo ra quỹ vốn vay ủy thác giúp các hộ dân có thể vay 500 triệu đồng/hộ với lãi suất 0,4%/tháng để xây dựng các trạm dừng chân và các bến tàu phục vụ khách du lịch.

Tại Đồng Tháp, việc cho vay vào các mô hình du lịch nhà vườn cũng diễn biến khá thuận lợi. Với chủ trương phát triển mạnh mô hình du lịch ở lại nhà người dân (du lịch homestay), nhiều hộ dân ở khu vực làng hoa kiểng Sa Đéc, vườn quốc gia Tràm Chim, khu sinh thái Xẻo Quýt… đã chuyển dịch từ việc sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kết hợp các dịch vụ ẩm thực, cho thuê ghe thuyền, hướng dẫn tham quan vườn cây ăn trái. Agribank Đồng Tháp đã tranh thủ cho vay hàng trăm tỷ đồng vào các mô hình phát triển sản xuất nông sản kết hợp du lịch sinh thái tại các huyện Lai Vung, Tam Nông và thị xã Sa Đéc.

Agribank góp phần phát triển nông nghiệp - du lịch Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 4

Mô hình tổ liên kết giữa Agribank với Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ 
các cấp thành lập để giúp cho các hộ vay vốn phát triển kinh tế

Không chỉ cấp vốn vào các mô hình du lịch sinh thái quy mô nhỏ, hiện nay xu hướng của các ngân hàng thương mại đang mạnh dạn đầu tư vào các dự án du lịch quy mô cấp tỉnh và cấp vùng. Với cú hích pháp lý từ Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24 tháng 3 năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, thời gian vừa qua các ngân hàng thương mại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã cho vay hàng ngàn tỷ đồng vào các dự án phát triển hạ tầng du lịch lớn như: dự án sân bay Cần Thơ; dự án xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải trên sông; dự án quy hoạch lại hệ thống miệt vườn; hỗ trợ nạo vét kênh rạch và chống xói lở các cù lao…

Agribank cũng đã cho vay vào các dự án phát triển du lịch xanh tại Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang chính quyền các tỉnh này cũng đã tạo ra các nguồn quỹ với số vốn hàng chục tỷ đồng để ủy thác cho vay phát triển các dự án du lịch cấp tỉnh như làng hoa Sa Đéc, làng sinh thái Cù lao Thới Sơn…Với mục tiêu lớn là kết nối không gian du lịch toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và mở rộng sang các quốc gia lân cận khu vực ASEAN.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank, cho biết: “Do đặc điểm của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long là nông nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, quy hoạch cây - con - ngành nghề của địa phương còn nhỏ lẻ... nên nông dân gặp khó khăn trong việc tìm tài sản thế chấp để vay vốn. Vì thế, Agribank luôn đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ những mô hình sản xuất hiệu quả để cho vay vừa đảm bảo nguồn vốn và giúp nông dân làm giàu, nhất là làm giàu từ du lịch. Là ngân hàng duy nhất do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, đến nay Agribank có quy mô về tổng tài sản hơn 1 triệu tỷ đồng; mạng lưới 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch; đội ngũ cán bộ hơn 40.000 người. Agribank luôn xác định hai mục tiêu quan trọng là: một là, lợi nhuận nộp ngân sách, đảm bảo tiền lương cho người lao động và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; hai là, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phục vụ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói riêng”.

Agribank góp phần phát triển nông nghiệp - du lịch Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 5

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 
chiếm tỷ trọng trên 90% tổng dư nợ của Agribank

Hiện nay, Agribank đang tích cực triển khai 7 chính sách tín dụng đối với "Tam nông và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Với 15 chi nhánh Agribank tại 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Agribank có nguồn vốn huy động hàng trăm ngàn tỷ, là khu vực có dư nợ lớn nhất trong 10 vùng kinh tế của cả nước. Trong đó, dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng trên 90% tổng dư nợ.

Với những kết qủa đã đạt được, Agribank đã và đang đồng hành phát triển thế mạnh kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, vừa tạo nét độc đáo vừa tạo cơ hội nâng cao đời sống người dân nơi đây.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.