Ác mộng - Lời nguyền có thể phá bỏ?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
 Bạn mơ thấy bạn bị ngã xuống một cái hố sâu, hay mình vừa đi tới địa ngục.

Bạn mơ thấy bạn bị ngã xuống một cái hố sâu, hay mình vừa đi tới địa ngục. Nhiều người mơ xong, nghĩ rằng sắp tới tính mạng của mình sẽ nguy hiểm? Vậy, giấc mơ này có gắn với lời nguyền nào thực tế hay không?

Giấc mơ và nỗi ám ảnh

Cách đây không lâu, chúng tôi có gặp một bệnh nhân  tinh thần rất bất ổn. Bệnh nhân là một phụ nữ 38 tuổi. Thường ngày, chị hay mơ thấy quỷ dữ hay được du hành đến những nơi, địa ngục đầy khiếp sợ. Chị cho rằng đó là một lời nguyền chết trẻ. Đi đâu làm gì chị cũng nghĩ tới cái chết. Chị cho rằng số phận đã an bài thì dù cố hay không cố, cái chết sẽ đến sớm với chị.

 Đi khám trong tâm trạng hoảng loạn, đi cúng lễ hết nơi này tới nơi khác, chị như một người khác, thân xác như không hồn. Thế rồi, chừng vài ba ngày sau, chị bị một tai nạn giao thông khá nặng. Mặc dù chưa nguy cấp tính mạng nhưng dường như nó càng củng cố cho lời nguyền kia là có thật. 

Và nó càng ngày càng khoét sâu vào tâm trạng chị như một cái kết không tránh khỏi. Biến cố đó đã khiến chị tìm đến với bác sĩ để điều trị̣. Tuy nhiên, việc chị có dám đương đầu và phá bỏ lời nguyền từ những cơn ác mộng hay không để có thể hồi phục trở lại bình thường đều phụ thuộc rất lớn vào chính bản thân chị.

Không riêng gì trường hợp trên, nếu bạn bắt gặp một người dân Việt Nam bình thường ngoài đường, rồi hỏi họ một câu: bạn có tin vào báo mộng hay không, thì chúng tôi chắc rằng, có chừng trên 50% số người được hỏi sẽ trả lời có.

Nhưng kỳ thực, báo mộng có thật hay không thật, đúng hay không đúng, thực hay không thực, hiện là vấn đề còn đang gây tranh cãi. Chỉ biết, những người ủng hộ quan điểm lời nguyền là có thật thì họ không thể chứng minh được sự có thật của lời nguyền. Họ chỉ lý giải một cách mơ hồ, đó dường như một số sự việc xảy ra ngoài thực tế sau giấc mơ có vẻ khớp với một phần với giấc mơ. Và theo họ, giấc mơ là lời nguyền khó bỏ.

Và lý giải của khoa học

Theo các nhà khoa học nghiên cứu về giấc mơ thì giấc mơ không là một cái gì quá thần bí. Đơn giản đó chỉ là sự tái hiện một số sự việc đã được ghi nhớ trong não bộ trước đó. Những sự việc này được tái hiện và chắp nối rời rạc khiến cho người được mơ không thể hiểu được và thấy nó rất hoang đường.

Tại sao các giấc mơ lại xuất hiện? Theo các nhà khoa học, đó chỉ là sự hưng phấn quá mức của não bộ ở trong một trạng thái tâm lý bất ổn. Sự hưng phấn này khiến cho não bộ khi ngủ không ngủ toàn bộ mà có nhiều trung tâm bị hưng phấn, thức tỉnh. Kết quả, người ngủ thì ngủ mơ màng và giấc mơ cứ kéo đến ồ ạt. Chính các trung tâm thức tỉnh này đã làm tái hiện một phần không hoàn hảo của sự việc.

Bằng việc ghi lại điện não đồ trong khi ngủ, các nhà điện thần kinh đã khám phá những người thường xuyên mơ có nhiều sóng điện não dạng thức tỉnh, mà lẽ ra trong khi ngủ chúng phải được thay thế bằng các sóng điện não dạng ngủ sâu. Bằng việc dùng một số thuốc nhất định làm thức tỉnh một số trung tâm não bộ trong khi ngủ, người ta cũng ghi nhận được người dùng thuốc thường mơ rất nhiều và họ đều báo cáo lại sau khi tỉnh dậy. 

Bằng chứng không thể chối cãi này đã chứng tỏ, giấc mơ, báo mộng hay lời nguyền hoàn toàn không thần bí. Nó không phải là phần hồn lìa ra khỏi xác và bay lên báo mộng cho chủ nhân, mà nó chỉ đơn thuần đi ra từ não bộ, phát sóng ra từ các trung tâm não bộ mà thôi.

Nhưng vấn đề tại sao lại có người hay mơ đến vậy và một người sao có lúc mơ nhiều lúc cố cũng chẳng mơ. Hiện tượng này được các nhà tâm lý giải thích là một nét đặc trưng riêng của con người. Không phải hoàn toàn mọi người đều có cấu trúc não bộ giống nhau. Có những người trung tâm sợ hãi rất lớn khiến cho não bộ ở trạng thái nhút nhát và sợ hãi. Những người này sẽ có hệ thần kinh yếu không cân bằng.

Chính hệ thần kinh yếu đã khiến cho hệ thần kinh hay bị ám thị và ấn tượng xấu bởi những sự việc bên ngoài. Họ dễ bị khắc sâu những sự hoảng sợ và thất bại trong cuộc sống và khó thoát ra khỏi nỗi ám ảnh này. Họ sẽ là những người mơ về những sự việc đó, thấy được các lời nguyền. 

Câu chuyện lời nguyền có ảnh hưởng chặt chẽ tới tâm lý chủ thể. Đơn cử như sau, một người mang văn hóa châu Âu, mơ thấy một con mèo đen thì thực sự hoảng sợ. Vì mèo đen tượng trưng cho thảm họa và điềm xấu đến với người mơ. Nhưng với người văn hóa Á Đông thì mơ về mèo đen là mơ về một điều tốt. Vì mèo trong văn hóa người Á Đông tượng trưng cho sự bền bỉ, dẻo dai và khéo léo. Họ sẽ không bị ám thị bởi những giấc mơ như thế. Cùng là một giấc mơ nhưng sẽ đem đến những hiệu ứng tâm lý thực tế khác nhau và tất nhiên, hệ quả thực tế cũng khác nhau vì tâm lý con người quyết định rất lớn tới hành động con người.

Người ta sẽ càng ngày càng mơ nhiều hơn nếu như cá nhân người đó bị rơi vào một trạng thái khủng hoảng tinh thần. Những sự kiện gây kủng hoảng tinh thần sẽ hằn nhớ rất sâu vào trong não bộ. Chúng sẽ làm thức tỉnh tất cả các trung tâm có liên quan. Kết quả, cùng một cá nhân, nhưng ở các giai đoạn cuộc sống khác nhau, họ sẽ có những bất ổn tâm lý khác nhau và đó là nguồn cơn tạo nên các giấc mơ vô cùng kỳ lạ, các nhà tâm lý học giải thích.

Với các chuyên gia thần kinh học, để giảm thiểu những giấc mơ bi quan, bạn cần tập cho mình một trạng thái thần kinh cân bằng. Đó là hệ thần kinh không hưng phấn quá và cũng không ức chế quá mức. Muốn vậy, bạn cần cân bằng công việc và nghỉ ngơi. Đừng quá với tới những điều vượt quá xa khả năng của bản thân. Khi đó, tự khắc cuộc sống sẽ điều hòa và não bộ trở về bình thường. Không nên phản ứng quá gay gắt với sự kiện cuộc sống và cũng không nên trơ lỳ với cuộc sống, như thế, bạn đã tự mình phá bỏ lời nguyền huyền bí cho cá nhân trong cuộc sống tương lai

Theo Sức khỏe & Đời sống
MỚI - NÓNG