9X và ý tưởng làng nổi trên đảo chìm

Phạm Sơn Tùng bên cạnh đồ án Làng nổi trên đảo chìm Đá Tây - Trường Sa.
Phạm Sơn Tùng bên cạnh đồ án Làng nổi trên đảo chìm Đá Tây - Trường Sa.
TP - Phạm Sơn Tùng (SN 1992), sinh viên năm cuối Khoa Kiến trúc - Trường ĐH Xây dựng Hà Nội đưa ra ý tưởng xây dựng “Làng nổi trên đảo chìm Đá Tây-Trường Sa” trong đồ án tốt nghiệp. Đây là một sản phẩm sáng tạo, mang ý nghĩa xã hội, thể hiện tình yêu, sự quan tâm của giới trẻ với biển đảo Tổ quốc. Đồ án của Tùng vinh dự được nhận Giải thưởng Loa Thành năm 2015.

Từ tình yêu biển đảo

Nổi bật trong số những đồ án của sinh viên đoạt Giải thưởng Loa Thành 2015 (do Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, T.Ư Đoàn, Bộ Xây dựng, Bộ GD&ĐT tổ chức) là đồ án tốt nghiệp “Làng nổi trên đảo chìm Đá Tây - Trường Sa” của cậu sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội. “Là sinh viên Khoa Kiến trúc, mình hy vọng có thể nghiên cứu, sáng tạo ra được một công trình nào đó gắn liền với biển đảo, với những chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền nơi đầu sóng, ngọn gió”, Sơn Tùng nói.

Ban đầu, Sơn Tùng dự định sẽ thiết kế trường học, bệnh viện, nhà văn hóa trên đảo Trường Sa, nhưng vì vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo sôi sục nên quyết định nghiên cứu gì đó liên quan đến đảo đá chìm ở Trường Sa. Qua tìm hiểu trên báo đài, cậu biết được tầm quan trọng của những đảo chìm trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ. “Mình nghĩ, nếu có thể xây dựng được những ngôi làng nổi trên các đảo chìm, cho người dân ra đảo sinh sống, đánh bắt thủy hải sản sẽ rất ý nghĩa trong việc góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nếu trở thành hiện thực, vợ con các chiến sỹ canh giữ biển đảo có thể ra sống và sinh hoạt, trở thành hậu phương vững chắc để các chiến sỹ vững tay súng hơn”, Sơn Tùng chia sẻ.

Năm 2015, Sơn Tùng có kế hoạch triển khai đồ án tốt nghiệp “Làng nổi trên đảo chìm Đá Tây - Trường Sa” nhằm mục đích mang đảo gần hơn với đất liền. Khi nêu lên ý tưởng về đồ án, Sơn Tùng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các thầy cô, bạn bè trong khoa, đặc biệt là PGS.TS. KTS Nguyễn Đình Thi - người thầy trực tiếp hướng dẫn Sơn Tùng thực hiện đồ án.

Đến ý tưởng làng trên đảo chìm

Theo đồ án của Sơn Tùng, việc xây dựng làng cư trú nổi trên đảo chìm Đá Tây sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng và phát triển các làng nổi trên các đảo chìm khác của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa (như Cô Lin, Len Đao, Núi Le, Tiên Nữ, Tốc Tan…). Làng nổi sẽ được xây dựng bằng các vật liệu nhẹ, dễ kiếm, dễ vận chuyển, thi công. Vật liệu phải có khả năng nổi trên mặt nước (tre, nhựa tổng hợp…) có tính liên kết dai, bền, không bị ăn mòn, phá hủy bởi nước biển. Sơn Tùng cho biết, khi khắc phục được những khó khăn và trở ngại về vật liệu sẽ xây dựng thành công làng nổi trên đảo. Sau đó, quy hoạch không gian của một nhóm ở với quy mô nhỏ, từ 40-50 hộ gia đình trên khu vực bãi san hô.

“Ý tưởng cốt lõi khi em tạo ra đồ án này là muốn khẳng định: Khi đưa được người dân ra sinh sống tại những đảo chìm, đó là cách chúng ta khẳng định chủ quyền của mình”. 

Sơn Tùng 

Mô hình làng nổi trên đảo chìm của Sơn Tùng là những mô-đun liên kết theo dạng tổ ong, hoạt động theo nguyên lý bèo tây, nhà nổi trên nước với hệ thống phao, có khả năng nổi trên nước và chịu được giông bão ở mức độ nhất định. Mô hình làng nổi được thiết kế chi tiết cả trường học, trạm y tế, vườn rau... Bằng cách ứng dụng công nghệ, làng nổi còn có thể tự cung năng lượng điện bằng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, có nguồn nước ngọt bằng việc tích trữ nguồn nước mưa, hệ thống xử lý nước...

Tự nhận thấy đồ án của mình là một mô hình mới, đòi hỏi phải đầu tư thêm nhiều thời gian nghiên cứu và phối kết hợp với các đơn vị để có thể ứng dụng vào thực tế, Sơn Tùng cho biết sẽ tiếp tục học lên cao học để theo đuổi, hoàn thiện đồ án trong tương lai.

Nói về đồ án “Làng nổi trên đảo chìm Đá Tây - Trường Sa”, PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi cho biết, Tùng là sinh viên xuất sắc của trường. Ý tưởng về đồ án được hai thầy trò nghiên cứu kỹ trước khi bắt tay vào việc nghiên cứu, thực hiện. Quá trình thực hiện đồ án, thầy, trò phải tìm kiếm tài liệu trên mạng về các đảo chìm ở Trường Sa chứ chưa có điều kiện đi thực tế ra các đảo. Vì vậy, đồ án đang chỉ trên lý thuyết. “Đồ án thể hiện tình cảm, khát vọng cống hiến của người trẻ, của những kiến trúc sư đối với biển đảo. Tôi đánh giá tính ứng dụng thực tiễn của đồ án là rất cao và đang giúp Tùng tiếp tục nghiên cứu sâu, hoàn thiện hơn. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, cùng hỗ trợ, nghiên cứu của các đơn vị, nhà khoa học trên cả nước để sớm có thể đem đồ án vào thực nghiệm”, KTS Nguyễn Đình Thi nói.

MỚI - NÓNG