9.000 người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm

Tai nạn giao thông vẫn là nỗi ám ảnh với Việt Nam (một tai nạn trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai). Ảnh: Sỹ Lực
Tai nạn giao thông vẫn là nỗi ám ảnh với Việt Nam (một tai nạn trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai). Ảnh: Sỹ Lực
TP - “Chúng ta phải nỗ lực giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống. Một đất nước hòa bình mà có đến 9.000 người chết/năm do tai nạn giao thông là không thể chấp nhận được”, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức sáng 8/12.

Không thể qua loa khi cấp bằng lái

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, trong 5 năm qua (2011- 2015) tuy tai nạn có giảm so với trước nhưng nhìn chung vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong 5 năm, cả nước đã xảy ra hơn 158 nghìn vụ tai nạn, làm chết hơn 48 nghìn người và 162 nghìn người bị thương. Bên cạnh đó tình trạng ùn tắc giao thông sau một thời gian có chuyển biến thì nay đang có nguy cơ tái diễn phức tạp trở lại, nhất là ở Hà Nội và TPHCM...

Theo ông Thăng, nguyên nhân khiến cho trật tự ATGT còn phức tạp là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông ở một số địa phương chưa thường xuyên, còn hình thức. Ở một số nơi còn có hiện tượng người thực thi công vụ hạn chế về trình độ, năng lực; còn dư luận về một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định…

Ông Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tỏ ra lo lắng về công tác cấp bằng lái xe: “Tôi nghĩ cần rà soát, đánh giá lại các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Vì nhiều người dân mới học lái xe vài bữa đã cầm xe chạy tung tăng trên đường như hiện nay là vô cùng nguy hiểm, đặc biệt việc cấp bằng cho người lái xe khách. Tay lái của họ nắm số phận của hàng chục người thì không thể đào tạo và cấp bằng một cách sơ sài được”, ông Khánh nói. Ông Khánh cũng cho rằng nhiều tài xế hiện nay lái xe liên tục cả ngày lẫn đêm rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn. Các cơ quan chức năng cần thông qua thiết bị giám sát hành trình để phát hiện và xử phạt nghiêm những trường hợp này.

Đề cập đến vụ tai nạn xảy ra trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ làm 2 người chết và 17 người bị thương mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý vận tải. Riêng về tình trạng ùn tắc giao thông, ông Hùng khẳng định, về lâu dài phải phối hợp phát triển vận tải hành khách khối lượng lớn, nhất là đường sắt công cộng. Đồng thời hạn chế việc xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô để giảm áp lực giao thông đô thị.

Đất nước hòa bình, sao lại để chết nhiều thế?

Đề cập đến các giải pháp để ngăn chặn tình trạng tai nạn giao thông, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, thời gian tới sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện. Cùng với đó đổi mới phương thức đào tạo, cấp giấy phép điều khiển phương tiện. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm việc di dời bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, nhà máy và khu hành chính ra khỏi trung tâm thành phố để giảm ùn tắc giao thông…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng gia đình, trường học để hình thành văn hóa giao thông. Đặc biệt cần phải giáo dục thế hệ trẻ nâng cao ý thức chấp hành giao thông, không thể để tình trạng mới va chạm đã gây gổ, đánh nhau hoặc uống rượu bia lái xe...

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.