Nghiên cứu thực hiện với người điều khiển mô tô, xe máy tại Hà Nội, TPHCM, Bình Dương từ tháng 5-12/2018.
Theo số liệu thống kê của cảnh sát giao thông trên toàn quốc, số vụ tai nạn giao thông liên quan tới nồng độ cồn chiếm 4%. Tại TPHCM ở mức 5% và tỉnh Bình Dương là 12%.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, số liệu của cảnh sát giao thông thấp hơn rất nhiều so với số liệu thống kê tai nạn giao thông do rượu bia nhập viện tại một số bệnh viện. Trong đó, tới khoảng 90% tai nạn liên quan tới rượu bia do xe máy gây ra, với người lái xe là nam giới. Thời gian tai nạn chủ yếu vào buổi chiều tối, và cao hơn vào các ngày cuối tuần.
Tỉ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm 68% (xe máy 62%, ô tô 6%). Các lỗi chủ yếu như đi xiêu vẹo, không bật xi nhan, đi ngược chiều, không bật đèn… Trong khi, những người này hầu hết nghĩ mình vẫn “chưa say”, nên lái xe vẫn an toàn, đi đường ngắn…
Trong máu có nồng độ cồn 20 mg/100 mL máu nguy cơ tai nạn cao gấp 3 lần người bình thường và tăng lên gấp tới 7 lần khi nồng độ cồn tăng lên 50 mg/100 mL (mức quy định cho phép hiện hành)…
Do đó, nghiên cứu đưa ra giải pháp là tăng mức và bổ sung thêm mức xử phạt, tăng cường công tác kiểm tra; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện và người thân của họ; tăng cường dịch vụ taxi đưa người uống về nhà an toàn; ứng dụng công nghệ thông tin, như ứng dụng khóa liên động trên phương tiện mô tô, xe máy…
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO, công bố năm 2012), ở Việt Nam có khoảng 36% người điều khiển xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.
Theo Uỷ ban ATGT Quốc gia (công bố năm 2016), gần 40% các vụ tai nạn giao thông xẩy ra do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có uống rượu bia. Dù đã có nhiều giải pháp, nhưng tình trạng uống rượu bia và lái xe vẫn phổ biến, khiến tình hình TNGT do hành vi này gây ra còn diễn biến phức tạp.