8 món ăn thuốc bổ dưỡng cho người cao tuổi

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Người cao tuổi mắt kém, mũi ngửi kém khó xác định được mùi của thức ăn; lưỡi không nhận ra thức ăn ngon hay không ngon...

Người cao tuổi mắt kém, mũi ngửi kém khó xác định được mùi của thức ăn; lưỡi không nhận ra thức ăn ngon hay không ngon, có hợp khẩu vị hay không; răng lung lay gây viêm lợi, thậm chí mưng mủ sẽ khó nhai nhuyễn thức ăn. Các hiện tượng này càng nặng làm cho người cao tuổi chán không muốn ăn hoặc chỉ ăn qua loa. Một số người còn mắc bệnh mạn tính và thuốc dùng thường ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Tình trạng trên càng làm cơ thể suy nhược, khí huyết hư.

Để nâng cao sức khỏe người cao tuổi, có thể dùng một số món ăn thuốc sau:

1. Bánh nhân gà thập cẩm: thịt gà sống 150g, bột mì 200g, hành củ 15g, bột tiêu, gừng, các gia vị khác liều lượng thích hợp. Thịt gà cùng với hành tiêu, gừng và các gia vị khác được băm trộn sẵn để làm nhân bánh. Bột mì thêm nước nhào trộn cán thành vỏ bánh, bánh thập cẩm được luộc hoặc hấp chín, làm bữa ăn chính, khi đói, ngày 1 lần. Một đợt 5 - 10 ngày. Dùng cho người cao tuổi tỳ vị hư nhược, gầy còm, da khô nhẽo.

8 món ăn thuốc bổ dưỡng cho người cao tuổi
NCT chức năng tiêu hóa kém nên thường chán ăn lâu ngày dẫn đến suy nhược cơ thể (ảnh trên).Cháo nhân sâm là món ăn thích hợp cho NCT ăn kém, nhịp tim nhanh, mất ngủ hay quên (ảnh dưới).

NCT chức năng tiêu hóa kém nên thường chán ăn lâu ngày dẫn đến suy nhược cơ thể (ảnh trên).Cháo nhân sâm là món ăn thích hợp cho NCT ăn kém, nhịp tim nhanh, mất ngủ hay quên (ảnh dưới).

2. Cháo nhân sâm: nhân sâm tán bột 3g, gạo tẻ 100g, đường phèn liều lượng thích hợp. Gạo nấu cháo, cháo chín cho bột sâm vào. Đường phèn cho trong một ca nhỏ thêm nước sôi khuấy cho tan và đổ vào nồi cháo, đun sôi lại. Ăn vào mùa lạnh, bữa sáng và bữa tối khi đói. Dùng cho người cao tuổi cơ thể suy nhược, ăn kém, tim nhịp nhanh, thở gấp, mất ngủ, quên lẫn...

3. Cháo hoàng kỳ: hoàng kỳ 30g, nhân sâm 4 - 8g (hoặc đảng sâm 10 - 15g), gạo tẻ 100 - 150g, đường trắng vừa đủ. Dược liệu thái lát hãm với nước, gạn lấy nước để sẵn. Gạo nấu cháo. Khi cháo chín cho nước hoàng kỳ, nhân sâm và đường trắng vào, đun nhỏ lửa đến sôi. Ăn ngày 2 lần vào buổi sáng và tối. Dùng cho người cao tuổi suy nhược cơ thể hoặc sau bệnh dài ngày, ăn uống kém.

4. Chim cút chiên dầu mè: chim cút 4 - 5 con. Chim làm sạch, lá mơ rửa sạch thái nhỏ, nhồi trong bụng chim, tẩm bột, dùng dầu mè chiên. Dùng cho người cao tuổi suy nhược, hư lao thở gấp, mỏi mệt, tiêu chảy, kiết lỵ lâu ngày, ăn kém.

5. Ruốc cá tiêu gừng: cá quả hoặc cá sộp 1.000g làm sạch vẩy, bỏ ruột và đầu đuôi, cắt khúc, cho mắm muối, bột tiêu, gừng đập giập, thêm ít nước, kho cho chín, gỡ bỏ xương, giã thành ruốc, thêm muối tiêu và chút bột gừng lượng thích hợp, đảo khô trên chảo, để nguội, cho vào lọ sạch đậy kín. Ăn trong các bữa ăn, từng đợt 5 - 7 ngày. Dùng cho người cao tuổi hay phụ nữ, trẻ em suy nhược, người gầy yếu, chán ăn.

6. Canh trứng gà cà chua: Cà chua 250g, trứng gà 1 quả. Cà chua rửa sạch thái lát, đun sôi, đánh trứng vào đảo đều, thêm nước và gia vị, đun sôi, ăn với cơm. Dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể sau bệnh dài ngày, ăn uống kém.

7. Cháo củ mài: củ mài 30g, gạo nếp 50g. Nấu cháo thêm đường trắng, muối ăn tùy ý. Ăn quanh năm, ăn bữa phụ (sáng và tối), ăn nóng. Dùng cho người tỳ vị hư, tiêu chảy, hội chứng lỵ mạn tính, hư lao, khí huyết hư, chán ăn, khô miệng khát nước, táo bón.

8. Gà hầm hoàng tinh: hoàng tinh 30g, đảng sâm 30g, sơn dược 30g, thịt gà 100 - 200g. Hầm kỹ. Dùng cho người ăn kém, suy nhược cơ thể.  

Lương y Thảo Nguyên

Theo Sức khỏe & Đời sống
MỚI - NÓNG