Năm 2011, cảnh sát Trung Quốc triệt phá một đường dây buôn bán trẻ em xuyên quốc gia với quy mô chưa từng có, bắt giữ 40 đối tượng, khởi tố 24 bị can về hành vi mua bán trẻ em, trong đó có 10 bị can là người Việt Nam. Hàng chục trẻ sơ sinh bị các “con buôn” bán cho các đối tượng buôn người từ nhiều nước, trong số đó có 10 trẻ được xác định bị bán từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Sau gần 3 năm điều tra và xác minh, đến 3/5/2013, cảnh sát Trung Quốc làm thủ tục trao trả 10 đứa trẻ này cho phía Việt Nam. Do các em không hề có một giấy tờ tùy thân hay manh mối gì về thân nhân, gia đình nên công tác tìm kiếm thân nhân gặp rất nhiều khó khăn. Những thông báo tìm người thân gửi đi từ Cục Cảnh sát hình sự nhưng hầu như không có phản hồi.
Các em được đưa về nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm chăm sóc bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ninh. Trước khi bàn giao cho trung tâm nuôi dưỡng, Cục Cảnh sát hình sự đã đặt tên khai sinh cho các em là Cộng, Hòa, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh với các họ Nguyễn, Hoàng, Trần, Phan.
“Khi tiếp nhận các cháu chúng tôi dành mọi tình cảm để chăm sóc nhằm bù đắp cho những tháng ngày bị bọn buôn người hành hạ”- Bà Mai Thị Lan, Giám đốc Trung tâm chăm sóc bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Sau quá trình tìm hiểu, Cục Cảnh sát hình sự phát hiện mẹ của em Cộng và Mạnh lại chính là những kẻ buôn người. Họ đã bán đi đứa con do mình đứt ruột đẻ ra khi mới biết mùi sữa mẹ chưa đến 10 ngày. Sau khi thụ án ở Trung Quốc quay về, mẹ của Cộng đã làm thủ tục xét nghiệm ADN. Kết quả trùng khớp 100%, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Trung tâm chăm sóc bảo trợ trẻ em tiến hành bàn giao em Cộng trở về với gia đình ở Móng Cái. Còn em Mạnh đang được Trung tâm tiếp tục nuôi dưỡng vì mẹ em vẫn chưa hết thời gian thụ án.
Ám ảnh “chim non lạc đàn”
Đến Trung tâm chăm sóc bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ninh vào một chiều cuối tuần, giờ tan trường, chúng tôi cùng theo chân “mẹ” Vũ Thị Năm vào lớp đón các em. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là 9 “chàng trai” khỏe mạnh tầm 5-6 tuổi, khôi ngô chạy ùa đến xuýt xoa khoe với “mẹ” được nhận phiếu bé ngoan. Những khuôn mặt rạng rỡ tràn đầy cảm xúc cứ tíu tít gọi những tiếng “mẹ ơi!”.
Chặng đường từ trường về nhà có mấy bước chân nhưng các em thi nhau kể những chuyện ở trên lớp. Nào là được học tiếng Anh, nào là được chơi cầu trượt, chơi bắn bi và cả xem phim hoạt hình... “Nhìn những đứa trẻ này không ai nghĩ chúng lại có một quá khứ hãi hùng đến như vậy. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ nhưng đêm đêm, thỉnh thoảng vẫn giật mình khóc thét. Chỉ khi nào được ôm ấp, vỗ về thì mới chịu ngủ lại. Nhìn chúng không ai không khỏi chạnh lòng”- Chị Vũ Thị Năm, cán bộ Trung tâm chăm sóc bảo trợ trẻ em chia sẻ.
Tuy nhiên, theo các cán bộ chăm sóc ở đây kể thì các em vẫn hồn nhiên, vui vẻ. Các anh chị tình nguyện viên, hàng tuần vẫn đến dạy các em học kỹ năng sống nên các em đã chủ động bắt chuyện với người khác.
Chơi đùa đúng 30 phút, các em về phòng, tự lấy áo quần đi tắm và chuẩn bị ăn cơm tối. Những việc mà ít em ở cùng độ tuổi sống cùng gia đình có thể tự làm, nhưng ở đây, các em được dạy cách sống tự lập và kỷ luật, trách nhiệm.
Sau khi tắm rửa, đúng 6h các em ngay ngắn ngồi vào bàn ăn. Từng thìa cơm được xúc gọn ghẽ và những đôi môi liến thoắng vừa nhai vừa kể chuyện như những chú chim non ríu rít.
Khi thấy chúng tôi chụp hình, các em xúm vào hỏi “Chú chụp hình nhiều thế bọn cháu có được “chiếu lên phim” không? Lên phim rồi bố mẹ cháu có đến đón cháu về không?...”. Những câu hỏi như xoáy vào tâm can. Chính chúng tôi cũng đang tự hỏi “Cha mẹ các em đang ở đâu?”.
Ngày 16/8, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an có công văn số 1234/C45-P6 về việc Đề nghị thông báo tìm cha mẹ cho 8 trẻ là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc năm 2011. Để đảm bảo việc trao trả và tiếp nhận các cháu đúng thủ tục của pháp luật, Cục CSHS muốn qua báo chí để thông báo rộng rãi để những ai có con trai mới sinh bị mất tích trước ngày 15/7/2011 hoặc những ai biết về các vấn đề liên quan đến sự việc xin hãy liên hệ với Cục CSHS - Bộ Công an, số 14/55 đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình - Hà Nội). Số điện thoại: 06944763 hoặc liên hệ ông Khổng Ngọc Oanh, số điện thoại 0912796229. Sau 30 ngày kể từ khi thông báo, nếu vẫn không tìm được bố mẹ đẻ cho các em, Cục Cảnh sát hình sự sẽ phối hợp với Trung tâm chăm sóc bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ninh làm thủ tục cho các em được nhận làm con nuôi.