Trong lĩnh vực khoa học về con người, khi một bộ phận cơ thể bị hư hỏng không thể chữa khỏi, ghép tạng là biện pháp duy nhất, là hy vọng sống cuối cùng của người bệnh. Trong nhiều trường hợp nó là biện pháp cuối cùng để níu giữ sự sống.
Cho đến nay y học hiện đại đã tiến hành cấy ghép được rất nhiều bộ phận trên cơ thể con người, từ nội tạng như gan, thận, tim, tụy.... đến các bộ phận bên ngoài như mặt, chân, tay...Vấn đề hiện đang làm đau đầu các nhà quản lý là số bệnh nhân chờ được ghép tạng tăng lên theo từng năm nhưng số người tình nguyện hiến tạng quá ít, nhiều người bệnh đã qua đời do không thể chờ để được nhận bộ phận hiến tặng. Tuy nhiên trong lĩnh vực vô cùng mới mẻ này, có những điều không phải ai cũng biết.
Mọc ra tạng mới
Trường hợp cô bé Angel Burton người Anh, 8 tuổi cực kỳ hy hữu. Cô bé bị suy thận nặng đến mức các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật. Điều làm kinh ngạc ngay cả các bác sĩ là khi mổ ra họ thấy Angel có tới 4 quả thận, 2 quả thận mới khỏe mạnh mọc ra chồng lên 2 quả thận cũ đang hư hỏng, chúng hoạt động độc lập với nhau. Cơ thể bé Angel Burton đã "tự chữa khỏi bệnh" cho chính cơ thể mình. Đây là hiện tượng thận kép trong y học, nó chỉ xuất hiện ở 1% dân số.
4 quả thận của Angel Burton
Cơ chế thải ghép
Sau ghép tạng, tất cả người bệnh thường được sử dụng thuốc chống thải ghép suổt đời để duy trì sự sống cũng như hoạt động của bộ phận cấy ghép. Mặc dù người cho và người nhận tạng đều có chỉ số sinh học tương đồng nhất, nhưng mỗi một cơ thể có một hệ thống miễn dịch khác nhau. Có người bệnh sau cấy ghép hệ miễn dịch không tiếp nhận cơ quan mới dẫn tới hư hỏng tạng ghép, thậm chí dẫn tới tử vong.
Kể từ ca ghép tạng đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học đã tìm kiếm các cách thức để “đánh lừa” hệ miễn dịch, làm cho hệ thống này chấp nhận một nội tạng lạ. Như tiến sĩ David Sachs ở Boston, Mỹ đã từng tiến hành những cú lừa như vậy, ông đã cho tiêm tế bào gốc vào tủy xương vào người nhận tạng để tạo hệ miễn dịch mới cho người bệnh, ông hy vọng bằng cách này hệ miễn dịch sẽ dễ dàng chấp nhận "vật thể lạ" hơn. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng thành công, có bệnh nhân của ông đã bị hỏng thận ghép và phải tiến hành ghép thận lần 2 để chữa bệnh.
Nguy cơ nhiễm bệnh cao
Một trong những căn bệnh mà người ghép tạng có nguy cơ mắc phải là bệnh tiểu đường. Sau ghép tạng, người bệnh thường phải dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch suốt phần đời còn lại của mình, đây lại là một nguy cơ cho các bộ phận cơ thể khác. Khi hệ thống miễn dịch bình thường bị suy yếu, người bệnh dễ bị nhiễm bệnh hơn, nhất là các bệnh thông thường như cảm lạnh, cảm cúm... Đối với các thuốc có tác dụng ức chế hệ miễn dịch trong ngành ghép tạng có thể gây ra các phản ứng phụ, làm người bệnh mất ngủ, thần kinh kích động, rậm lông, phù nề, tăng huyết áp, hay gây ra bệnh tiểu đường.... Trong những trường hợp này việc ngưng sử dụng thuốc là không thể.
Nạn buôn bán nội tạng
Ngay khi ngành ghép tạng ra đời, đã xuất hiện những nhu cầu về nguồn tạng ghép. Theo ước tính việc buôn bán nội tạng, hầu hết là bất hợp pháp, có giá trị hàng tỷ USD mỗi năm. Nhà báo Scott Carney đã nghiên cứu và viết một cuốn sách về thị trường chợ đen, nơi buôn bán các bộ phận cơ thể con người.
Trong nghiên cứu của mình, ông tiết lộ, sau trận sóng thần lịch sử năm 2004, xuất hiện một ngôi làng ở Ấn Độ có tên Kidneyvakkam hay còn gọi là làng hiến thận. Ở đây những nạn nhân của trận sóng thần vì sự tồn tại đã phải bán đi những quả thận của mình.
Rất nhiều người dân ở đây đều có sẹo ở bụng, dấu vết của một cuộc phẫu thuật lấy thận. Nhà báo Carney đặt vấn đề, nguồn nội tạng có được từ các vụ bán thận của dân nghèo nhằm phục vụ người giàu là một thị trường ngầm, vô đạo đức nhất.
Vướng mắc về tôn giáo
Tôn giáo đã và đang là cản trở lớn đối với ngành khoa học ghép tạng, bởi mỗi tôn giáo khác nhau có niềm tin và tín ngưỡng khác nhau đối với những người đã qua đời. Đối với nhiều tôn giáo đó là sự xúc phạm vong linh của người chết, những người đồng ý hiến tạng người thân cảm thấy có tội với người chết và tổ tiên. Đạo Phật lại có quan niệm chết không toàn thây...
Ở Iran hầu hết các ca ghép tạng đều được lấy từ người cho còn sống bởi người Hồi giáo quan niệm không xúc phạm người đã chết. Trong khi người theo đạo Kito hay Công giáo dễ dàng chấp nhận việc lấy và ghép tạng thì người Do Thái lại có quan niệm hoàn toàn khác.
Đối với họ, một con người vẫn được coi là sống khi trái tim còn đập, kể cả khi người đó chết não. Người Do Thái tin rằng cái chết thực sự chỉ xảy ra khi trái tim con người ngừng đập. Như vậy nếu trong trường hợp ghép tim, trái tim người hiến sẽ đập trong lồng ngực của người nhận tạng, hành động này là không thể chấp nhận được. Nó phạm vào vấn đề đạo đức.
Lĩnh vực luôn đòi hỏi sự nghiên cứu
Cấy ghép nội tạng là một lĩnh vực mới, luôn đòi hỏi những nghiên cứu chuyên sâu về y sinh học, con người. Ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện năm 1954, đó là một trường hợp ghép thận.
Sau cấy ghép không lâu bệnh nhân đã tử vong. Phải đến 30 năm sau đó, với việc ra đời của thuốc chống thải ghép, phương pháp điều trị bệnh này mới trở thành một cuộc cách mạng trong y học. Thành công của nó đã được trao giải Nobel y học. Để có được ngày hôm nay, đòi hỏi biết bao cuộc phẫu thuật, các công trình nghiên cứu khoa học, y học trên người. Đến nay mỗi năm thế giới ghi nhận có khoảng 40.000 ca ghép tạng.
Người ghép tạng sống có thọ?
Chưa một nghiên cứu nào thống kê về tuổi thọ của những bệnh nhân đã tiến hành ghép tạng. Nhưng có thể khẳng định rằng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những bệnh nhân ghép tạng sống thêm 10-20 năm nữa không còn là chuyện quá hiếm, họ đang được hỗ trợ để sống ngày càng thọ hơn.
Ở bệnh nhân ghép gan, nếu thành công, việc sống sau 5 năm cấy ghép đang trở thành phổ biến trên thế giới. Đối với thận, các nhà khoa học cho rằng việc ghép thận từ người còn sống làm tăng tuổi thọ cho bệnh nhân. Bệnh nhân ghép tim dường như sống ít thọ nhất so với các tạng khác như thận, gan...
Với việc phát triển của ngành khoa học ghép tạng, các nhà khoa học cho rằng trong tương lai không xa tuổi thọ trung bình của bệnh nhân sau ghép tạng cũng sẽ không thua kém gì người bình thường.
Hy vọng nguồn tạng từ máy in 3D
Sự xuất hiện của máy in 3-D đang trở thành một cuộc cách mạng mới trong y học. Người ta có thể tạo ra bất cứ vật thể 3-D nào chỉ nhờ một chiếc máy in, kể cả các bộ phận trong cơ thể. Đã có nhiều cuộc cấy ghép thành công nhờ máy in 3-D như thay thế mô hình tai, sụn, bàng quang, tử cung...
Hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu với hy vọng sẽ cho ra đời một cơ quan nội tạng thực sự như thận sinh học từ máy in 3-D. Họ dự tính sẽ phải mất từ 15-20 năm nữa để cho ra đời một quả thận sinh học đầu tiên trên thế giới.