CỬ TRI CẢ NƯỚC ĐI BẦU CỬ ĐBQH VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP

69 triệu cử tri bước vào 'Ngày hội non sông'

0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Ảnh: NHƯ Ý
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Ảnh: NHƯ Ý
TP - Hôm nay (23/5), hơn 69 triệu cử tri trên cả nước sẽ tới 84.767 khu vực bầu cử thực hiện quyền làm chủ, trực tiếp cầm lá phiếu để tự lựa chọn người đại diện của mình tại Quốc hội và HĐND các cấp. Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng cho “ngày hội non sông”.

Kết thúc bầu cử, kiểm phiếu trước 21 giờ

Trao đổi với phóng viên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, ngày 23/5, cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là “ngày hội toàn dân” để cử tri phát huy quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội, HĐND các cấp.

Theo ông Bùi Văn Cường, thống kê trên toàn quốc có tổng cộng 69.198.594 cử tri với 84.767 khu vực bỏ phiếu. Đến ngày 3/5, các Tổ bầu cử đã hoàn thành việc niêm yết danh sách người ứng cử theo đơn vị bầu cử và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử, bảo đảm chính xác, rõ ràng, đúng tiến độ theo luật định. “Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, theo chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các địa phương đã rà soát, cập nhật bổ sung danh sách cử tri, có các phương án xử lý, bảo đảm tất cả các cử tri đủ điều kiện đều được thực hiện quyền bầu cử”, ông Cường cho hay.

Trao đổi về thời gian bỏ phiếu, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thời gian tiến hành bầu cử sẽ diễn ra từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối ngày 23/5. Ở một số địa phương, tuỳ theo tình hình cụ thể, tổ bầu cử có thể bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng và có thể kết thúc muộn hơn nhưng không được muộn hơn 9 giờ tối. Đáng lưu ý, khi 100% cử tri trong danh sách khu vực bỏ phiếu đó đã đi bầu trước 7 giờ tối, thì tổ bầu cử đó cũng không được tuyên bố kết thúc bầu cử và kiểm phiếu.

“Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, theo chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các địa phương đã rà soát, cập nhật bổ sung danh sách cử tri, có các phương án xử lý, bảo đảm tất cả các cử tri đủ điều kiện đều được thực hiện quyền bầu cử”.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Lý do theo ông Tùng, nếu kiểm phiếu trước 7 giờ tối thì sẽ thực hiện trước các khu vực bầu cử khác trong cùng đơn vị bầu cử. Kết quả bầu cử của khu vực bỏ phiếu đã kết thúc sớm có thể bị lộ, lọt ra bên ngoài, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử của các khu vực khác trong cùng đơn vị bầu cử. “Để bảo đảm tính khách quan, công bằng, bảo đảm quyền cử tri được lựa chọn người mình thấy xứng đáng để bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, không bị tác động bởi những yếu tố khác thì việc kiểm phiếu phải được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định”, ông Tùng nhấn mạnh.

“Các địa phương đã sẵn sàng”

Cũng liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Tiểu Ban Thường trực Tiểu Ban Nhân sự khẳng định, mọi công tác chuẩn bị từ nhân sự, tuyên truyền, lên kịch bản phòng chống dịch, đến nhiệm vụ về an ninh, trật tự đã được triển khai bài bản, khoa học, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. “Các địa phương đều thể hiện sự quyết tâm rất cao. Mặc dù trong quy định của Luật Bầu cử có cho phép hoãn ngày bầu cử, nhưng tất cả các địa phương đều đồng lòng là đã sẵn sàng, không đề nghị hoãn bầu cử ở bất kỳ đơn vị nào”, bà Thanh cho hay.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, điểm mới về nhân sự lần này là sự phối hợp rất chặt chẽ của các cơ quan liên quan. Đặc biệt là sự phối hợp của Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an trong việc rà soát, xác minh hồ sơ, tiểu sử của nhân sự để phục vụ cho việc lựa chọn các ứng cử viên vào danh sách chính thức để cử tri cả nước lựa chọn những người tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất đại diện cho mình tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.

Về các công việc khác, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã rà soát tất cả các lĩnh vực như công tác tuyên truyền, thành lập các tổ chức bầu cử, cho đến việc niêm yết danh sách ứng cử viên và danh sách cử tri cũng như các tình huống có thể xảy ra trong cuộc bầu cử năm nay có sự biến động khác với các lần trước về phòng chống dịch. Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã hướng dẫn rất cụ thể cho các địa phương và cũng đồng tình cho 16 tỉnh, thành phô tiến hành bỏ phiếu sớm ở một số điểm, cũng như một số lực lượng như quân đội và công an để tập trung phục vụ cho cuộc bầu cử ngày 23/5.

“Qua tổng hợp, theo dõi, kiểm tra ở 53 tỉnh, thành phố cũng như phản ánh của các địa phương, tôi cho rằng với truyền thống, ý chí, nghị lực của dân tộc Việt Nam, mỗi khi có khó khăn thì tinh thần Việt Nam, ý chí Việt Nam, trí tuệ Việt Nam càng được khẳng định rõ. Năm nay cũng vậy, chúng ta bầu cử trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng tất cả các phương án cũng như tình hình diễn biến dịch ở Việt Nam đã được Tiểu ban An ninh trật tự và y tế, trực tiếp nòng cốt là Bộ Y tế, đã sẵn sàng. Tôi tin tưởng cuộc bầu cử sẽ thành công và không thế lực thù địch nào có thể phá hoại cuộc bầu cử khi cả dân tộc Việt Nam đoàn kết, chuẩn bị sẵn sàng từ Trung ương đến địa phương và sự đồng thuận của nhân dân cả nước”, bà Thanh chia sẻ.

Cùng thông tin trước ngày bầu cử, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã tổ chức đấu tranh, thực hiện đối sách đối với 124 đối tượng phản động, chống phá, phá hoại bầu cử; phá rã 4 nhóm phản động, ngăn chặn 2 chiến dịch tuyên truyền chống phá cuộc bầu cử của bọn phản động lưu vong; khởi tố, bắt 3 đối tượng vi phạm pháp luật chống phá bầu cử, khởi tố 11 đối tượng đưa tin xuyên tạc sự thật liên quan đến bầu cử trên không gian mạng, xử lý vi phạm hành chính về hành vi này đối với hàng trăm đối tượng… Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 hiện nay, ngoài các thùng phiếu cố định, Bộ Công an còn chuẩn bị lực lượng, phương tiện, phương án để bảo vệ, tiến hành đảm bảo an ninh, an toàn cho các thùng phiếu phụ trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 xảy ra, lập phương án dự phòng.

“Vì dịch bệnh COVID-19 nên lực lượng chống đối, các thế lực thù địch đã thay đổi phương thức tiến hành chống phá, trước đây bằng các phương thức, thủ đoạn truyền thống như đưa người về, câu móc trong ngoài, nay chúng triệt để lợi dụng không gian mạng, triệt để lợi dụng công nghệ thông tin để tiến công chống phá chúng ta. Đây là phương thức rất mới nên lực lượng an ninh mạng sẽ phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc ngăn chặn thông tin xấu, độc”, ông Xô nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG