Tối 28/12, tại Hà Nội, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Công ty TNHH TCPVN phối hợp tổ chức chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020.
Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt được T.Ư Hội LHTN Việt Nam phát động từ năm năm 2013. Chương trình nhằm mục tiêu tìm kiếm, tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật, có ý chí vượt lên, chiến thắng số phận và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển cộng đồng xã hội.
Thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực” của chương trình đã được lan tỏa đến toàn thể thanh niên Việt Nam, đến từng cơ sở Hội, trở thành một hoạt động thường xuyên, nhân văn, ý nghĩa, chạm đến trái tim của mọi người.
Dự chương trình có ông Đào Ngọc Dung - Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB & XH, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; ông Nguyễn Phước Lộc - Phó trưởng ban Dân vận T.Ư; anh Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương.
Cùng 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu tuyên dương trong chương trình. Đó là 64 câu chuyện đẹp về nghị lực phi thường vượt qua nghịch cảnh.
Đêm tôn vinh "Tỏa sáng nghị lực Việt Nam" 2020 được thiết kế theo ba chủ đề tương ứng với quá trình vươn lên trong cuộc sống những người không may mắn khiếm khuyết về dáng hình: Mặt trăng (lặng lẽ náu mình), Gió (khám phá bản thân), Mặt trời (Tỏa sáng rực rỡ).
Tự tin và nuôi dưỡng nghị lực phi thường
Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam nhấn mạnh: 64 thanh niên tôn vinh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020 là những thanh niên khuyết tật tiêu biểu vượt qua bản thân để vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng; bên cạnh đó, các bạn còn là động lực, là nguồn cảm hứng bất tận cho những người cùng hoàn cảnh và cho cả những thanh niên không giống các bạn.
“Cám ơn các bạn đã đến cuộc đời này với một sứ mệnh thật đặc biệt. Trân trọng từng phút giây của cuộc sống, các bạn đã giữ vững quyết tâm, ý chí và nghị lực để vượt qua các giới hạn bình thường của bản thân mình, viết nên câu chuyện của đời mình, theo cách riêng của mình.
Chúng tôi hiểu và tin các bạn sẽ không bao giờ cam phận cúi nhìn xuống nơi mình đang đứng; những mệt mỏi, những khiếm khuyết, những đớn đau và tổn thương trong cuộc sống sẽ không đủ để khuất phục các bạn. Sự quyết tâm và ý chí mạnh mẽ của các bạn là tính cách của những trái tim dũng cảm không bao giờ lùi bước”, anh Tuấn bày tỏ.
Anh Tuấn cho biết: “T.Ư Hội LHTN Việt Nam và các lực lượng xã hội khác sẽ làm hết sức mình để đồng hành cùng các bạn trên mọi nẻo đường, mọi sự chọn lựa của các bạn sẽ luôn có chúng tôi cạnh bên. Các bạn hãy luôn luôn tự tin và nuôi dưỡng nghị lực phi thường, hãy sống cuộc đời của mình một cách đầy ý nghĩa”.
Phát biểu tại chương trình, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB & XH, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, cho biết: Hiện cả nước có khoảng 6,4 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó có khoảng trên 2 triệu thanh niên khuyết tật. Do tác động của già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều vấn đề xã hội khác, dự báo trong những năm tới, số lượng người khuyết tật sẽ tiếp tục gia tăng.
Nhiều năm qua Đảng và Nhà nước ta không ngừng chăm lo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người khuyết tật, thanh niên khuyết tật bằng việc huy động trách nhiệm cả hệ thống chính trị và sự đóng góp của xã hội trên cơ sở phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Song, so với nhu cầu của người khuyết tật, thanh niên khuyết tật và đòi hỏi của xã hội, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước.
Đời sống của một bộ phận không nhỏ người khuyết tật, thanh niên khuyết tật còn nhiều khó khăn; mức trợ cấp xã hội thấp; vẫn còn người khuyết tật, thanh niên khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm…; các trường chuyên biệt cho học sinh khuyết tật còn thiếu; nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho chuyên ngành phục hồi chức năng và giáo dục hòa nhập còn rất khó khăm.
Ông Đào Ngọc Dung bày tỏ: "Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng chung sức, trách nhiệm và tình cảm, chúng ta sẽ từng bước tháo gỡ những khó khăn, giảm thiểu rào cản, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật, thanh niên khuyết tật như niềm tin và mong muốn của tất cả chúng ta".