Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện kế hoạch khôi phục chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách từ tháng 1/2022, gồm các điểm đến dự kiến nối lại giai đoạn 1: Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnom Pênh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ).
Bộ GTVT đã làm việc với đại diện Đại sứ quán các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại Việt Nam để thúc đẩy quá trình nối lại đường bay. Đại diện ngoại giao các quốc gia/vùng lãnh thổ bày tỏ quan tâm tới một số vấn đề chính, gồm: Làm rõ về thủ tục cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam đối với người nước ngoài; đề nghị phía Việt Nam xem xét bỏ quy định cách ly với khách nhập cảnh; xem xét tăng tần suất bay.
Các bộ ngành đồng thuận việc nối lại ngay đường bay thường lệ thí điểm kết nối với châu Âu, Úc. |
Đến nay, đã có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Campuchia và Đài Loan cơ bản thống nhất kế hoạch nối lại đường bay thường lệ với Việt Nam. Tuy nhiên, do biến chủng Omicron, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có chính sách hạn chế người nhập cảnh, hoặc áp dụng cách ly. Các nước Trung Quốc và Lào chưa có phản hồi.
Trong khi đó, qua phương tiện thông tin đại chúng, cả 9 thị trường trên đều xuất hiện biến chủng Omicron. Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không tiếp tục đàm phán với các đối tác để bổ sung buộc xét nghiệm nhanh với hành khách trước khi lên máy bay. Tới nay đã có Nhật Bản và Hoa Kỳ cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh tại sân bay, đủ điều kiện khai thác ngay. Cụ thể, đường bay Việt Nam - Nhật Bản sẽ được Vietnam Airlines khai thác chuyến từ ngày 5/1/2022 (sau nghỉ Tết Dương lịch). Hiện các hãng đã bắt đầu mở bán vé thương mại với đường bay Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Trên cơ sở Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các bộ ngành chủ động quyết định việc nối lại đường bay quốc tế, ngày 27/12, Bộ GTVT đã làm việc với 5 bộ ngành và các hãng hàng không. Do nhu cầu người Việt ở nước ngoài muốn về quê đón Tết Nguyên đán rất lớn, nên các bộ ngành thống nhất tăng tần suất đường bay với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan từ 4 lên 7 chuyến khứ hồi/tuần cho mỗi bên; nối lại ngay các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với các thị trường châu Âu (Pháp, Đức, Nga) và Úc.
Nguy cơ “phá sản” do địa phương thêm quy định
Theo Bộ GTVT, hiện còn sự chưa thống nhất trong áp dụng biện pháp y tế với khách nhập cảnh, khi UBND TP Hà Nội yêu cầu khách nhập cảnh về từ các quốc gia xuất hiện biến chủng Omicron phải cách ly. Quy định này sẽ là rào cản kỹ thuật khiến nhu cầu khách giảm, việc thực hiện các chuyến bay thường lệ quốc tế không khả thi, và trái với hướng dẫn của Bộ Y tế (theo văn bản 10688/BYT-MT).
Việc Hà Nội và TPHCM ban hành thêm yêu cầu với khách nhập cảnh khác với hướng dẫn của Bộ Y tế có thể khiến kế hoạch nối lại đường bay quốc tế thường lệ không khả thi do nhu cầu khách giảm. |
Tương tự, Sở Y tế TPHCM lại đề nghị các hãng hàng không phải cung cấp danh sách khách nhập cảnh trước chuyến bay ít nhất 24 giờ, trong khi các thông tin này khách buộc phải khai báo trên ứng dụng PC-COVID và IGOVN. Yêu cầu này của TPHCM cũng chưa phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế.
Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao: Bộ Y tế có hướng dẫn hoặc khuyến cáo cụ thể về các thị trường có thể nối lại đường bay, các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với biến chủng Omicron; các địa phương thống nhất biện pháp phòng chống dịch với người nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xem xét chấp thuận tăng tần suất bay với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, thí điểm nối lại đường bay với châu Âu và Úc để đáp ứng nhu cầu về quê đón Tết của người Việt.