Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh của Quỹ BHYT chủ yếu là do việc điều chỉnh các chính sách như điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng; chính sách thực hiện thông tuyến xã lên huyện và liên huyện. Cùng với đó, ngành Y tế cũng triển khai mạnh mẽ các chương trình chuyển giao kỹ thuật từ trung ương về tỉnh, huyện, xã đã giúp các dịch vụ kỹ thuật cao được cập nhật thường xuyên, thực hiện nhiều ở các tuyến cơ sở khám chữa bệnh.
Theo thống kê, từ 2015-2016, kỹ thuật phẫu thuật tim hở tăng 17%, can thiệp tim mạch tăng 12%, phẫu thuật thay khớp gối tăng 71%, hay phẫu thuật thay khớp háng tăng 48%...
Cùng với đó là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một tăng cao do thay đổi mô hình bệnh tật, già hóa dân số (người già thường mắc 3-4 bệnh mạn tính). Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, tim mạch, tiểu đường làm gia tăng chi phí điều trị xét nghiệm, thuốc…
Liên quan đến vấn đề lạm dụng dịch vụ y tế, ông Khảm cho rằng phải nhìn nhận khách quan, công bằng từ nhiều phía, cả người dân tham gia BHYT và cơ sở khám chữa bệnh. Thời gian qua, có trường hợp cơ sở khám chữa bệnh, có hiện tượng chỉ định sử dụng dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chưa thực sự cần thiết, hoặc chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú, kéo dài thời gian nằm viện không cần thiết. Đó là hiện tượng đơn lẻ, xảy ra tại một số cơ sở, tình trạng này không phải mang tính hệ thống.
Tổng hội Y học Việt Nam mới đây thực hiện nghiên cứu phân tích hồ sơ bệnh án các bệnh nhân đã ra viện tại một số cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, tư nhân, trạm y tế xã để đánh giá sự gia tăng chi phí y tế. Theo kết quả ban đầu, số chi do lạm dụng chiếm khoảng 5% tổng chi. Ông Khảm cho hay, lạm dụng gồm 2 cấp độ: chỉ định phù hợp với chẩn đoán nhưng không cần thiết và chỉ định không phù hợp chẩn đoán. Vì thế, theo đại diệnVụ BHYT: “Việc Bảo hiểm xã hội kiểm tra trên hệ thống thông báo từ chối thanh toán hàng triệu hồ sơ bệnh án, với hàng trăm tỷ đồng không phải tất cả là do “làm ăn gian dối” mà có thể chuyển dữ liệu bị lỗi, nhập mã sai, lỗi kỹ thuật...; ngoài ra cũng có trường hợp chỉ định không cần thiết. Ví dụ tại Bệnh viện Bạch Mai có trường hợp chụp Xquang 12 lần trong một ngày nhưng không có chuyện đó mà do bị lỗi”.
Trước thực trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT, nhiều người lo ngại, quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng vì quỹ đang bị thu hẹp lại. Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định: “Quỹ BHYT không cắt giảm quyền lợi của người tham gia, luôn đảm bảo mức chi tối đa hợp lý, hợp pháp cho các trường hợp thực sự cần điều trị. Tuy nhiên, không thể chấp nhận những chi phí bất hợp lý, lãng phí nguồn tài chính quan trọng này. Cụ thể như chỉ định điều trị nội trú để tăng tiền ngày giường, chi phí điều trị; chỉ định cận lâm sàng không cần thiết, sử dụng biệt dược gốc đắt tiền tràn lan, không hợp lý, làm tăng chi trong khi nguồn quỹ có hạn…”.