Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh Như Ý |
Tại phiên chất vấn hôm nay (4/11), đề cập đến vấn đề trọng dụng nhân tài, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, đây là quy luật trị quốc muôn đời từ trước nay.
Đáng lưu ý, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đại biểu Vân đặt vấn đề: Bộ trưởng Nội vụ đã tham mưu, đề xuất gì với Chính phủ, Thủ tướng để biến chủ trương này thành pháp luật, tức là biến thành các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung trong toàn bộ máy Nhà nước?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây là yếu tố truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước được thể hiện rõ trong Nghị quyết, Văn kiện Đại hội XIII. Nhìn ra thế giới, nhiều nước đã làm nên kỳ tích cũng nhờ những nhân tài.
Để cụ thể hóa kết luận của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ, ban hành Nghị định 140 từ năm 2018, thu hút được 258 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học. Một số địa phương rất chú trọng vấn đề này như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc… Ngoài ra, các địa phương đã thu hút được khoảng 3.000 cán bộ khoa học trẻ, sinh viên giỏi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, con số này vẫn còn quá ít so với số người làm việc trong khu vực công.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng đề án chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài, sẽ có cơ chế chính sách hấp dẫn hơn.
ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). Ảnh Như Ý |
Với việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, theo Bộ trưởng, các ĐBQH cũng đang mong đợi vì chúng ta chưa có cơ chế, hành lang pháp lý trong khi thể chế chưa đồng bộ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ đang xây dựng Nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Tham mưu ban hành Nghị định đạo đức công vụ
Nêu chất vấn, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phản ánh: Thời gian qua, không ít cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật, gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận. Bộ trưởng nhận xét gì về vấn đề này, đâu là nguyên nhân và giải pháp?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tính từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, xử lý kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có trường hợp phải xử lý hình sự. Riêng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, xử lý kỷ luật hơn 20.300 người, trong số này cũng có trường hợp phải xử lý hình sự.
ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh Như Ý |
Theo Bộ trưởng, số lượng này tính trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức khoảng 1% và đây cũng là con số lớn nhất từ trước đến nay.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉnh đốn Đảng, tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ…
Về phía Bộ Nội vụ sẽ tham mưu ban hành Nghị định đạo đức công vụ để siết chặt hơn nữa kỷ cương đạo đức công vụ. Qua đó làm sao đảm bảo đồng bộ quy định của Đảng, quy định của Nhà nước để thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong sạch, phục vụ nhân dân.