Theo RT, khoảng 50.000 người biểu tình đến tử Đức, Bỉ và Hà Lan đã xếp hàng ở khu vực tam giác biên giới giữa 3 nước vào hôm qua, 25/6 nhằm yêu cầu đóng cửa một số lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân.
Đoàn người xếp hàng dài 90km bắt đầu từ nhà máy hạt nhân Tihange (Bỉ), đi qua Maastricht (Hà Lan) và kết thúc tại Aachen (Đức).
Những người biểu tình cho biết họ quan tâm đến sự an toàn của các bình áp suất tại lò phản ứng Tihange 2 và Doel 3 gần Antwerp (Bỉ).
“Mục tiêu trước nhất của chúng tôi là ngăn chặn Tihange 2 vì lò phản ứng này có quá nhiều vết nứt, dẫn đến tình trạng thiếu an toàn”, Rodrique Dumas – một người xếp hàng biểu tình cho biết.
Một phần của dòng người kéo dài 90km. Ảnh: Twitter
Ảnh: Twitter
Hồi giữa tháng 6, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon xác nhận khoảng 70 vết nứt siêu nhỏ mới đã được phát hiện ở bình áp suất của Tihange 2 so với lần kiểm tra năm 2015, nâng tổng số khiếm khuyết của lò phản ứng này lên 3.149 lỗi.
Một số khiếm khuyết các cũng được phát hiện ở lò phản ứng Doel 3, nhưng các nhà chức trách nhấn mạnh rằng cả 2 nhà máy đều an toàn tuyệt đối.
Hai nhà máy Tihange và Doel, mở cửa vào các năm 1982-1983 vừa được cho phép kéo dài thời gian hoạt động, trong khi nhà máy vốn không được xây dựng để hoạt động trong thời gian dài đến vậy.
Việc này được đánh giá là "vô cùng bất thường" và trên thế giới chỉ có 9 trường hợp tương tự.
Bỉ đã kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng “già” do 39% nhu cầu điện năng của quốc gia này đang được đáp ứng bởi 7 lò phản ứng hạt nhân. Trong đó, 2 lò hạt nhân Tihange và Doel cung cấp tổng cộng 6% điện năng.
Năm 2016, Đức đặt mục tiêu loại bỏ toàn bộ số lò phản ứng hạt nhân của mình vào năm 2022 sau thảm họa Fukushima của Nhật Bản. Mới đây, Đức cũng thúc giục Bỉ tạm ngừng hoạt động của 2 lò phản ứng Tihange 2 và Doel 3 cho đến khi “câu hỏi về sự an toàn được sáng tỏ”.