Khối DN nhà nước vẫn chi phối
Bảng xếp hạng cho thấy, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – PVN dẫn đầu trong 500 DN lớn nhất Việt Nam (VNR500) năm 2013, với doanh thu “khủng” 722 nghìn tỷ đồng (gần 37 tỷ USD).
Cùng với PVN, 6 ông lớn khác “nối đuôi” trong VNR500 là Samsung Electronics, Petrolimex, EVN, Viettel, VNPT và Vietsovpetro cũng đạt mức doanh thu trên 100 nghìn tỷ đồng, cao hơn doanh thu của DN đứng thứ 500 trong bảng xếp hạng Fortunes 500 DN của Mỹ.
Bảng xếp hạng năm 2013 cũng ghi danh tới 160 DN là những gương mặt mới, trong đó DN tư nhân trên 40%, DN nhà nước là 37%. Trong VNR500 2013, khối DN tư nhân chiếm phần lớn (44%), cao hơn khối DN nhà nước (40%) và DN nước ngoài (hơn 15%). Tuy nhiên, xét về doanh thu, khối DN nhà nước vẫn chi phối nền kinh tế, chiếm hơn 62% trong tổng doanh thu của toàn VNR500 năm 2013.
Theo đơn vị nghiên cứu, ngành khoáng sản- xăng dầu, điện và tài chính là 3 ngành đứng đầu trong VNR500, doanh thu bứt phá so với các ngành nghề khác trong bảng xếp hạng. Trong khi đó, 3 ngành có hệ số sinh lời (ROE) cao nhất là cơ khí, điện và thực phẩm-đồ uống. Nhóm DN này “cứ 10 đồng vốn chủ đầu tư, sẽ kiếm về trên 4 đồng lãi”.
Ở lần đầu tiên lọt vào VNR500, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Cty CP Nhất Nam- sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết: Năm 2013, Fivimart vẫn đạt tăng trưởng 13%, đảm bảo công ăn việc làm cho trên 1.300 lao động.
Trong lúc thị trường bán lẻ ngày càng cạnh tranh khốc liệt, DN muốn đứng vững cần phải có hướng đi riêng, tạo ra sự khác biệt. “Chúng tôi phải biết cách giữ chân khách hàng và thêm khách hàng mới qua cải tiến dịch vụ phục vụ, chương trình khuyến mãi và đặc biệt chăm sóc những khách hàng thân thiết”, bà Hậu nói.
Điểm sáng doanh nghiệp nhỏ
Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết cho thấy, khác xa với phần lợi nhuận thu được từ việc tăng giá bán các dịch vụ độc quyền của ngành điện, xăng dầu, dầu khí, không ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhỏ đã vượt bão thành công.
Sự lên ngôi của các doanh nghiệp nhỏ cũng được thấy rõ khi Cty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Kim khí-Ptramesco (KKC) thông qua kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2013 với doanh số 441 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 18,8 tỷ. Kết quả này vượt xa kế hoạch lợi nhuận trước thuế mà đại hội cổ đông giao với tỷ lệ vượt 88%.
Một doanh nghiệp sản xuất khác cũng có mặt trong số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả là Cty Cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC) với lợi nhuận trước thuế 255 tỷ đồng, vượt 29% so với kế hoạch. Các số liệu cũng cho thấy, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vào phút chót đã giúp tình hình thực hiện của Cao su Tây Ninh có vẻ sáng sủa hơn hẳn.
Trong lĩnh vực dược phẩm, báo cáo của Cty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) cho thấy, tình hình kinh doanh riêng quý 4 cũng như cả năm 2013 của Dược Hậu Giang tương đối sáng sủa với doanh thu thuần riêng quý 4 trên 1 nghìn tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ, cả năm đạt 3.254 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2012. Lũy kế cả năm, DHG báo lãi 603 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2012.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Minh Phương, Phó Tổng giám đốc Cty CP Công nghiệp Vĩnh Tường (DN cung cấp các giải pháp về tường và vách ngăn) cho biết, đây là năm thứ 2 liên tiếp Vĩnh Tường lọt vào bảng xếp hạng VNR500.
Năm 2013, Vĩnh Tường đạt doanh thu trên 1.700 tỷ đồng, mức tăng trưởng trên 30%. Ông Phương nói: “Trong khi thị trường bất động sản bế tắc, chúng tôi đạt được mức tăng trưởng trên là cả một nỗ lực lớn. Năm 2014 tiếp tục là năm khó khăn, do thị trường bất động sản có thể còn “bất động”, giá điện, xăng dầu có thể điều chỉnh tăng, ảnh hưởng đến sản xuất. Trong khi cầu xây dựng chưa có đột biến cao”.
Còn ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Cty TNHH Hùng Cá, một trong những DN xuất khẩu thủy sản hàng đầu cả nước cho biết, năm qua Hùng Cá đạt doanh thu trên 4.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng 13%. Trong lúc nhiều DN và người nuôi cá tra “treo ao”, thiếu nguyên liệu thì Hùng Cá vẫn sống khỏe.
CEO tuổi Tân Sửu và Kỷ Hợi thành đạt nhất
Trong VNR500 năm 2013, ban tổ chức cũng đưa ra thống kê khá thú vị về tuổi của CEO. Theo đó, CEO sinh năm Tân Sửu (năm 1961) và Kỷ Hợi (năm 1959) là 2 nhóm tuổi thành đạt nhất, khi chiếm tới 7,4% trong tổng số CEO của 500 DN lớn nhất Việt Nam.
Đứng sau 2 nhóm tuổi trên là các doanh nhân sinh năm Mậu Tuất (1958) và Giáp Ngọ (1954), khi chiếm lần lượt trong các CEO xuất sắc là 6,6% và 6%.
500 DN lớn nhất Việt Nam (VNR500) do Cty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (VNR) phối hợp với báo Vietnamnet công bố. Top 5 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2013: Cty CP Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji; Cty CP Sữa Việt Nam -Vinamilk; CTy CP Tập đoàn Intimex; Cty CP FPT và Ngân hàng TMCP Á châu.