10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam

10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam
TPO - Bên cạnh bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Vietnam Report cũng công bố danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam

> Dầu khí, viễn thông áp đảo 10 DN lớn nhất VN
> Bất ngờ với Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
> 500 doanh nghiệp lớn nhất 2012

TPO - Bên cạnh bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Vietnam Report cũng công bố danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Theo báo cáo của VNR Report, số doanh nghiệp tư nhân xuất hiện trong Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tăng dần đều qua sáu năm xếp hạng.

Xuất phát từ năm 2007 chỉ có 103 doanh nghiệp tư nhân nằm trong Bảng VNR 500, tới năm 2012, con số này đã là 225, tăng hơn hai lần. Cùng xem các doanh nghiệp này hoạt động "khủng" thế nào.

Doji là thương hiệu của năm 2012. Ảnh: Doji
Doji là thương hiệu của năm 2012. Ảnh: Doji.

1. Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI

Để đủ tiêu chuẩn lựa chọn xem xét  trong Bảng xếp hạng doanh nghiệp tư nhân, doanh thu tối thiểu của Doanh nghiệp phải đạt trên 660 tỷ đồng.

Năm 2012, Tập đoàn được xếp hạng số một trong Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR500) với mức doanh thu đạt gần 32.000 tỉ đồng.

Qua gần 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Tập đoàn DOJI đã có bề dày trong lĩnh vực Vàng bạc Đá quý, xây dựng hệ thống chuỗi trung tâm và cửa hàng trang sức cao cấp trên khắp nước; đầu tư kinh doanh dịch vụ, bất động sản và tài chính ngân hàng.

Doanh thu của Tập đoàn liên tục nhảy vọt với những con số ấn tượng: Năm 2010 đạt 20.000 tỉ đổng. Năm 2011 đạt 30.000 tỉ đồng và kết thúc năm 2012, Tập đoàn xuất sắc đạt 31.500 tỉ đồng.

Trong Bảng xếp hạng 1000 Doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Việt Nam, DOJI xếp thứ 564.

2. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB)

Tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 26-12-2012, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), ông Đỗ Minh Toàn, cho biết, lợi nhuận năm 2012 của ngân hàng đạt xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2013, ngân hàng sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 15 – 20% và huy động vốn tăng 20 – 30%.

Trước đó, tại đại hội cổ đông năm 2012, ACB thông qua kế hoạch lợi nhuận 5.500 tỷ đồng cho năm.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của ngân hàng này sụt giảm mạnh do phải đóng trạng thái vàng (lỗ 1.700 tỷ) và tác động từ sự việc 6 nguyên lãnh đạo của nhà băng này bị khởi tố hồi tháng 8 và tháng 9. Năm 2011, ACB đạt lợi nhuận hợp nhất 4.202 tỷ đồng.

3. Công ty Cổ phần FPT

Ngày 18-12-2012, FPT công bố kết quả kinh doanh sau 11 tháng hoạt động. Theo đó, doanh thu toàn tập đoàn đạt 21.856 tỷ đồng, vượt mức 1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt mức 1.364 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 5.019 đồng.

Ngày 28-12, hơn 13.000 cổ đông FPT nhận được cổ tức bằng tiền đợt hai năm 2012 với tỷ lệ 10%, tương ứng 1.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, đợt chi trả cổ tức lần một bằng tiền đã được tập đoàn hoàn tất vào ngày 29-8 cũng với tỷ lệ 10%.

Như vậy, tính tổng cộng trong năm 2012, FPT trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, nằm trong kế hoạch trả cổ tức ban đầu đã được thông qua là trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với mức tối thiểu 15%, tối đa 30%.

10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam ảnh 2
 

4. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, Vinamilk vẫn tăng trưởng và phát triển vững mạnh, duy trì tốc độ tăng trưởng cao về doanh thu, đặc biệt là nộp ngân sách nhà nước, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu.

Năm 2012, Vinamilk đạt doanh thu hơn 27.300 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 180 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 2.900 tỷ đồng.

2012 cũng là năm sản lượng tiêu thụ của Vinamilk đạt cao nhất từ trước tới nay, với trên 4 tỷ sản phẩm trong điều kiện Vinamilk không tăng giá và tham gia bình ổn giá sữa cho người tiêu dùng cả nước.

Năm 2017, Vinamilk phấn đấu lọt vào top 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới, với doanh số 3 tỷ USD.

Liên tục đứng trong top 5 các doanh nghiệp tư nhân có doanh thu lớn nhất từ 2008, đến 2012, Vinamilk tiếp tục đứng thứ tư trong top năm doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

5. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)

Trong bảng xếp hạng VNR500 dành cho khối doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2012, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đứng vị trí thứ 5.

Trong bảng xếp hạng VNR500 - 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, Eximbank xếp vị trí thứ bảy, sau Sacombank (thứ sáu), Techcombank (thứ năm) và ACB (thứ hai).

Hồi tháng 8-2012, Eximbank được tạp chí Asia Money trao giải thưởng “Ngân hàng nội địa tốt nhất Việt Nam 2012".

Theo thông tin công bố, lợi nhuận quý ba và chín tháng đầu năm 2012 của Techcombank sụt giảm so với cùng kỳ 2011. Lợi nhuận thuần quý 3/2012 của Techcombank đạt 452,57 tỷ đồng, giảm 26,9% so với cùng kỳ năm 2011; lũy kế 9 tháng đầu năm 2012 đạt 1.681 tỷ đồng, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2011.

Nếu so với năm 2011, lợi nhuận và nhiều chỉ số của Techcombank giảm khá mạnh. Trong năm 2011, Techcombank đạt tăng trưởng thu nhập lãi thuần ở mức cao, với 58,9%, chủ yếu đến từ mảng hoạt động cho vay truyền thống; tăng trưởng dư nợ đạt 20,8% so với mức 10,9% của toàn ngành; tăng trưởng tiền gửi đạt 10,1% so với mức 9,9% của toàn ngành; thị phần cho vay tăng thêm 0,2%.

Lợi nhuận sau thuế năm 2011 của Techcombank cũng tăng trưởng khá mạnh với 51,5%, đạt mức 3.141 tỷ đồng so với mức 2.073 tỷ đồng trong cùng kì năm ngoái.

6. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

Theo thông tin từ ngân hàng này, tại thời điểm 31-10-2012, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 2.259 tỷ đồng, tương đương 66% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,26% và tất cả các tỷ lệ an toàn hoạt động đều được đảm bảo theo đúng quy định.

Tổng tài sản của Sacombank đạt 149.689 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm cuối năm 2011; tiền gửi và cho vay của Sacombank tại các TCTD khác là 15.377 tỷ đồng, tăng 59% so với số dư đầu năm. Tổng tiền gửi và vay từ các TCTD khác giảm 54% trong 10 tháng qua, ở mức 5.671 tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức kinh tế và dân cư 10 tháng đầu năm tăng 9,1% so với cuối năm 2011 (trong đó bằng VND đạt 72.459 tỷ, tăng 14%), với lượng vốn cho vay khách hàng đạt hơn 84.452 tỷ (đã trích lập 1.139 tỷ đồng dự phòng rủi ro).

7. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Trương Văn Phước cho biết, con số tổng kết tính đến sáng 15-1 của ngân hàng là 2.828 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm khá mạnh so với lợi nhuận năm 2011 (4.056 tỉ đồng). Tăng trưởng tín dụng của Eximbank 0,3%, nợ xấu 1,34%.

8. Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ)

Thành lập vào ngày 28-4-1988 với tên gọi Cửa hàng Kinh doanh Vàng bạc Phú Nhuận, trực thuộc UBND Quận Phú Nhuận, đến năm 1990, được nâng cấp với tên gọi là Công ty Vàng bạc Mỹ nghệ Kiều hối Phú Nhuận.

Năm 1992 chính thức đổi tên thành Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ.

Đến năm 1994, được UBND Quận Phú Nhuận, TPHCM chuyển giao về cho Ban Tài chính Quản trị Thành ủy quản lý.

Đến tháng 1-2004, PNJ được cổ phần hóa và trở thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận cho đến hôm nay.

PNJ là đơn vị tiên phong trong việc xuất khẩu trang sức Việt Nam ra thị trường thế giới. Từ năm 1995, sản phẩm nữ trang PNJ có mặt tại Hội chợ nữ trang Hồng Kông. Đến nay, sản phẩm PNJ có mặt tại Đan Mạch, Đức, Hoa Kỳ, Úc và đang bắt đầu thâm nhập thị trường Dubai.

PNJ cũng chứng tỏ năng lực của mình trên các lĩnh vực khác, trong đó có việc sáng lập ra Ngân hàng Đông Á năm 1992 và trở thành một trong những ngân hàng TMCP lớn, có uy tín tại Việt Nam hiện nay.

PNJ cũng tham gia sáng lập hoặc góp vốn vào nhiều công ty khác như Công ty CP Địa ốc Đông Á, Công ty CP Năng lượng Đại Việt, Công ty CP S.G Fisco, Công ty CP năng lượng Sài Gòn SFC…

9. Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát

Với doanh thu hợp nhất 2011 đạt 17.851 tỷ đồng, Hòa Phát lần thứ tư liên tiếp nằm trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, thứ hạng trong VNR500 cũng tăng dần qua các năm. Điều đó cho thấy, Hòa Phát luôn giữ được mức tăng trưởng khá vững chắc.

Năm nay, Tập đoàn Hòa Phát xếp vị trí 43 trong VNR500 năm 2012, vượt bốn bậc so với năm 2011 và là một trong 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Bên cạnh công ty mẹ, các công ty thuộc Tập đoàn Hòa Phát có mặt trong VNR500 gồm: Công ty Thương mại Hòa Phát, công ty Ống thép Hòa Phát, công ty CP Nội thất Hòa Phát, Công ty TNHH MTV ống thép Hòa Phát Bình Dương.

10. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank)

Trong năm 2012, Maritime Bank cũng là một trong những ngân hàng nhận được nhiều bình chọn.

Mới đây nhất, Maritime Bank được nhận giải thưởng “Ngân hàng tiêu biểu tại Việt Nam - Vietnam Outstanding Banking Awards 2012", do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG dưới sự bảo trợ của Hiệp Hội Ngân Hàng Việt Nam, Bộ thông tin và truyền thông Việt Nam, Bộ công an và Uỷ ban Nhân dân TP. HCM trao tặng.

Năm 2011, Maritime Bank với khoản lợi nhuận trước thuế đạt 1.036 tỷ đồng, giảm 31,7% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 797 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ hoạt động khác chiếm tỷ trọng nhiều nhất với 829 tỷ đồng, tiếp đến là hoạt động dịch vụ với 343,7 tỷ đồng tăng hơn 65% so với năm trước.

Nếu năm 2010 kinh doanh ngoại hối của MaritimeBank lỗ 106,9 tỷ đồng, thì năm nay, hoạt động này lãi 41,9 tỷ đồng. Năm 2011, tỷ lệ nợ xấu của MaritimeBank là 2,27%, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 120 tỷ đồng.

Phạm Tuyên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG