500 container nông sản ùn ứ tại Tân Thanh: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Hàng trăm container hàng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) Ảnh: Nguyễn Bằng
Hàng trăm container hàng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) Ảnh: Nguyễn Bằng
TP - Doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu, dù đã được thông báo từ trước, nhưng vẫn thiếu sự chuẩn bị dẫn đến nhiều lô hàng bị kiểm hóa lâu hơn. Ở khía cạnh quản lý, việc chưa sát với diễn tiến thị trường, cũng là một nguyên nhân khiến gần 500 container hàng bị ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) những ngày qua.

DN thiệt hại hàng chục triệu đồng

Những ngày này, người dân Lạng Sơn nói chung, khu cửa khẩu Tân Thanh nói riêng quá quen với việc hàng đoàn xe container kéo dài nhiều cây số chở đủ loại nông sản Việt như chuối, thanh long, nhãn… xếp hàng kín dọc đường tới cửa khẩu Tân Thanh. Từng đoàn xe container nối đuôi nhau nổ máy, nằm chờ dưới trời nắng đợi đến lượt được vào bãi chờ làm thủ tục thông quan. Nét mặt các tài xế đều mệt mỏi, bồn chồn. Nhiều tài xế mắc võng nằm chờ vạ vật tới ba ngày mới được vào khu bãi đỗ để chờ làm thủ tục xuất hàng qua cửa khẩu.

Ùn ứ tại cửa khẩu khiến không chỉ nông dân, chủ hàng thiệt hại vì hàng hóa xuống cấp, cánh chủ xe, tài xế cũng mệt mỏi không kém. Trao đổi với PV Tiền Phong, anh Đ.V.V, chủ một DN tư nhân làm dịch vụ vận chuyển đường dài có trụ sở ở Hưng Yên, cho hay, việc Trung Quốc siết quản lý nông sản nhập khẩu đang khiến các DN thiệt hại rất lớn. Bản thân anh và một xe khác của đơn vị đã phải lưu hàng tại cửa khẩu trong suốt 4 ngày qua.

 Anh V cho biết, vì ùn ứ nên mỗi ngày anh mất thêm trung bình 2 triệu đồng tiền ăn cho 2 tài xế chính, 2 tài phụ, chưa kể thêm gần 1,2 triệu đồng tiền dầu để chạy máy, bảo quản thanh long mỗi ngày cho hai xe container chở thanh long, chưa kể các khoản chi phí ăn uống, tắm giặt, thuê nhà nghỉ.

 Chị Vũ Thị Nguyệt, hộ kinh doanh cá thể ở Lạng Sơn, cho hay, nhiều thương nhân, trong đó có chị, đang gặp khó khăn về các quy định liên quan đến đóng hộp, bảo quản hàng hóa theo tiêu chuẩn mới của phía Trung Quốc. “Sắp tới, ít ngày nữa là lại đến mùa dưa lên cửa khẩu, việc kiểm hóa sẽ còn chặt chẽ hơn. Phía bạn đòi hỏi đóng hộp, truy xuất tem mác, không cho rơm vào thùng trong khi dưa hấu không có rơm thì rất khó bảo quản. Dưa đóng hộp nóng sẽ khiến chất lượng dưa giảm, hỏng hết dưa. Nông dân chưa làm được theo quy chuẩn đấy nên giờ tăng kiểm tra và tăng yêu cầu thì việc xuất khẩu sẽ ngày càng khó khăn hơn”, chị Nguyệt nói.

 Tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ Công Thương ngày 22/10 về tình hình xuất khẩu nông sản qua Lạng Sơn, ông Hồ Chí Duy, Trưởng phòng quản lý xuất nhập khẩu Sở Công Thương Lạng Sơn, cho hay, từ tháng 7 đến nay, xuất khẩu có xu hướng tăng trở lại. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thanh long, chuối, nhãn với hơn 100 xe/ngày.

Từ tháng 9, mỗi ngày có trên 200 xe qua cửa khẩu Tân Thanh mang theo thanh long từ các tỉnh miền Nam. Từ ngày 15/10, lượng hàng hóa dồn về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến, khoảng 250 xe/ngày, chủ yếu là nông sản (thanh long) từ các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tây Ninh, Ninh Thuận, Gia Lai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và các tỉnh có diện tích lớn trồng thanh long đã vào vụ thu hoạch.

 Theo ông Duy, cùng với việc hoa quả vào mùa thu hoạch, lượng xe về cửa khẩu những ngày qua tăng đột biến, ngày 12/10, lực lượng Hải quan Trung Quốc áp dụng hệ thống kiểm tra giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa xuất nhập khẩu mới. Theo đó, lực lượng chức năng Trung Quốc tăng cường kiểm tra,  giám sát tại cổng kiểm soát số 1 khiến thời gian làm thủ tục kiểm tra mất khoảng 6-7 phút/xe, trước chỉ mất không quá 2 phút/xe. Do đó, lượng xe hàng xuất khẩu trong ngày chỉ đạt tối đa 120-150 xe/ngày (trước cao điểm, lượng xe thông quan trong ngày đạt 300 xe) dẫn đến không đáp ứng được lưu lượng hàng về cửa khẩu, gây dồn ứ cục bộ.

 “Đến 19h30 ngày 21/10, lượng phương tiện còn ở cửa khẩu khoảng 470 xe. Chúng tôi đã làm việc với phía bạn và thống nhất một số biện pháp để hải quan Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ kiểm tra tại cửa khẩu và kéo dài thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu từ 6h đến 16h30 hằng ngày”, ông Duy cho hay.

 Ông Nông Hải Thăng, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu Tân Thanh Cốc Nam, kiến nghị, ngoài các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, người dân lưu ý các thay đổi trong kiểm dịch hàng hóa, xuất xứ, nguồn gốc của Trung Quốc, các cơ quan chức năng Việt Nam, cụ thể là Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước cần tổ chức các đoàn vào các địa phương chia sẻ thông tin cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Điều tiết hàng hóa để giảm ùn ứ

Bà Hoàng Thị Thiều Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, cho hay, để giảm ùn ứ, với những mặt hàng dễ hư hỏng như chuối, sẽ ưu tiên đưa vào luồng chính, xuất khẩu trước. Các mặt hàng khác thì làm thủ tục sau. Ngày cao điểm làm thủ tục được hơn 180 xe. Chi cục cũng làm việc với đơn vị quản lý bãi xe cung cấp đồ ăn, cơm miễn phí hỗ trợ các chủ hàng, lái xe.

Theo bà Hoa, việc kiểm soát hàng nông sản được thực hiện rất chặt chẽ. Phía hải quan Trung Quốc yêu cầu chủ xe mở container, cabin, nếu phát hiện các loại rau củ trên xe là sẽ yêu cầu bỏ đi. “Ngay cả người dân, thương nhân Trung Quốc khi sang giao dịch và nếu có mang theo mớ rau hay bất cứ loại quả gì cũng đều bị yêu cầu bỏ lại vì là hàng chưa qua kiểm dịch”, bà Hoa nói.

Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và thanh long nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… để chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận hàng hóa. 

Phải quen với việc bán hàng theo yêu cầu của khách

Về việc hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu, trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn Nguyễn Quốc Hải, cho hay, việc Trung Quốc siết các quy định quản lý về nhập khẩu không phải là chuyện mới. Mọi thông báo về chính sách đã được đưa ra trước đó, các bộ, ngành, cơ quan quản lý đã có cảnh báo về việc này nhiều lần. Nhưng các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu không cập nhật chính sách đầy đủ.

“Bà con nông dân không sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường thì đừng sản xuất nữa. Bà con nông dân không trực tiếp bán hàng nên DN, thương nhân phải đặt hàng bà con. Đây cũng là lỗi của DN. Không thể có chuyện hàng không đáp ứng được yêu cầu thị trường rồi lại đi kêu gọi giải cứu mãi được. Làm thế bao giờ bà con tiến bộ trong sản xuất được”, ông Hải nói.

Phạm Tuyên

Giải pháp cụ thể

Chiều 22/10, bà Đào Thu Lan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), cho biết: “Chiều 22/10, đoàn công tác của ta gồm Ban kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, lãnh đạo huyện Văn Lãng cùng Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch Tân Thanh đã có buổi bàn thảo với phía Trung Quốc ngay tại cột mốc biên giới để thống nhất một số nội dung. Trong đó có việc mỗi bên thành lập tổ công tác và đường dây liên lạc để trao đổi. Hai bên thống nhất trước 17 giờ mỗi ngày, phía Việt Nam thông báo cho tổ công tác Trung Quốc số lượng xe còn tồn ở cửa khẩu Tân Thanh để thống nhất thời gian làm việc trong ngày”.

Theo bà Lan, ngày 23/10, hai bên thống nhất sẽ kéo dài thời gian làm việc. Cụ thể, công việc kiểm hóa, thông quan bắt đầu làm việc lúc 6 giờ 30 phút sáng và kéo dài đến 21 giờ 30 phút (giờ Việt Nam).

Thượng tá Hà Văn Hiển, Đồn trưởng Biên phòng Tân Thanh, cho biết, bên cạnh tăng cường đảm bảo an ninh trật tự cho người và hàng còn ùn ứ tại cửa khẩu, lực lượng Biên phòng phối hợp các nhà hảo tâm thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cơm miễn phí cho chủ hàng và lái xe đang lưu lại ở Tân Thanh.

Nguyễn Duy Chiến

Năm 2019, phía Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu các mặt hàng nông sản, hoa quả qua các cửa khẩu Hữu Nghị, Cốc Nam, Tân Thanh với các loại quả nhập khẩu: vải, nhãn, thanh long, chôm chôm, mít, xoài, chuối quả tươi và măng cụt. Trong 9 tháng qua, đã có gần 2 triệu tấn nông sản, chủ yếu là trái cây được xuất khẩu sang Trung Quốc.

MỚI - NÓNG