400 tỷ USD, Việt Nam được mấy phần?

TP - Dữ liệu thống kê mới được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm nay đang tiệm cận kỷ lục 400 tỷ USD, nền kinh tế và người dân Việt Nam được những gì từ con số này?

Đánh giá về con số 400 tỷ USD, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Chiến lược phát triển, cho rằng, đó là tín hiệu rất đáng mừng. Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu kể trên, theo ông Hồ, có đóng góp rất lớn của khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt trong ngành điện tử, công nghiệp chế biến, giày da, may mặc…

“Tuy vậy Việt Nam vẫn chủ yếu gia công, tỷ trọng nội địa hóa trong hàng xuất khẩu rất thấp. Từ đó tác động ngược vào sản xuất trong nước và phần giữ lại của Việt Nam không nhiều, chưa như mong muốn. Nhưng dù sao, con số trên rất đáng mừng. Và cần cố gắng nội địa hóa nhiều hơn để nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi thực sự  xuất - nhập khẩu hàng hóa”, ông Hồ nói.

Ngoài ra, theo ông Hồ, cần nâng cao tỷ trọng của xuất khẩu nông sản, vì đây là động lực quan trọng, tuy tỷ trọng ít nhưng rất có giá trị gia tăng nội địa và thu nhập của người nông dân. Ông mong muốn ngành hải quan tiếp tục cải cách hơn nữa, giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, nhũng nhiễu, tham nhũng để tạo điều kiện cho DN.

Chuyên gia thống kê Bùi Trinh lại đi sâu vào phân tích tỷ trọng của con số 400 tỷ USD. Theo ông Bùi Trinh, thực chất con số xuất nhập khẩu chỉ tác động chủ yếu làm tăng GDP để đạt mục tiêu năm nay là tăng 6,7%, thậm chí còn cao hơn. Đó là thành tích lớn. Tuy nhiên, vị này đặt câu hỏi sau con số đó, nền kinh tế Việt Nam được gì?

Ông Bùi Trinh phân tích, từ năm 2005 tới nay, khu vực DN FDI luôn xuất siêu và ngày càng nhiều. Trong khi khu vực DN trong nước luôn nhập siêu và nhập ngày càng nhiều. “Xuất siêu của khu vực FDI quá mạnh, tỷ trọng lên tới 72% tổng xuất khẩu, tức họ hoàn toàn được lợi từ giá trị xuất khẩu”, ông Trinh nói. Ông phân tích thêm, tăng trưởng bình quân theo các thành phần sở hữu DN (nhà nước, tư nhân, vốn FDI) giai đoạn 2005-2016 là 6,1%, trong đó khối DN FDI tăng trưởng 7,5% (cao hơn mức bình quân), trong khi khối DN trong nước tăng trưởng thấp hơn mức bình quân (thấp hơn 6,1%).

Theo ông Trinh, cách thu hút vốn FDI hiện nay khiến lợi ích đất nước bị thu hẹp, do ưu đãi về thuế, đất đai, cách thức đối đãi… Điển hình là chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, do DN FDI chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu, nên phần nhập khẩu đầu vào họ cũng được miễn, giảm; trong khi DN trong nước chủ yếu sản xuất hàng phục vụ thị trường nội địa, hoặc buôn bán với nhau, nên không được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu đầu vào.

“DN FDI được ưu đãi đủ thứ, nên thực tế chỉ mượn đất, thuê người mình gia công hàng cho họ. Thành tích tăng trưởng GDP đạt nhưng nhưng người dân chưa cảm nhận thấy khấm khá hơn từ tăng trưởng. Điều này có phần do khối DN FDI hưởng là chủ yếu”, ông Bùi Trinh nói.

MỚI - NÓNG