Đại diện các ngân hàng trong buổi toạ đàm: “Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù” tổ chức sáng 14/6 cho rằng, việc xử lý tiền mặt với doanh nghiệp tốn thời gian, công sức và chi phí lên tới 15%.
Bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc mảng Phát triển thẻ doanh nghiệp và phát triển đại lý, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa – VPBank cho rằng việc phát triển của ngân hàng số phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của ngân hàng và chiến lược này rất quan trọng.
Trong năm 2018 có 131.275 doanh nghiệp thành lập. Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp “chết” cũng cao. Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn về vốn.
“Theo thống kê của chúng tôi, có tới 33% khoản vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị từ chối vì không thỏa mãn yêu cầu tài sản đảm bảo; thời gian thu hồi công nợ khá lâu, tới 30 ngày, quá hạn tới 26 ngày; 92% doanh nghiệp xử lý đơn hàng theo phương thức thủ công; chi phí xử lý tiền mặt từ 4,7%-15% tùy ngành nghề”, bà Phương nói.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho biết, khái niệm ngân hàng số đang bị nhiều người nhầm lẫn với khái niệm số hóa hoạt động ngân hàng truyền thống. Theo cách hiểu số hóa hoạt động ngân hàng truyền thống, các ngân hàng sẽ số hóa tất cả hoạt động và dịch vụ ngân hàng hiện hữu. Tuy nhiên, cách hiểu này là không đủ.
"Ngân hàng số còn là mô hình kinh doanh mới, một cách tiếp cận mới với những giá trị mới, thay vì chỉ số hóa những thứ đã có", ông Lực nhấn mạnh.
Với thực trạng ngân hàng số tại Việt Nam, ông Lực cho biết, các Fintech, Bigtech năng động và từng bước cạnh tranh với ngân hàng. Trong xu thế kinh tế số, các trung gian thanh toán không phải là NHTM đã và đang phát triển khá nhanh, gồm các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các nhà mạng viễn thông, điện tử, CNTT (Telcos, Bigtech), chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán và cho vay ngang hàng.
Sự cạnh tranh giữa mô hình kinh doanh truyền thống và phi truyền thống là tất yếu. "Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ ngân hàng nói riêng và dịch vụ tài chính nói chung. Mới chỉ có 40% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng hiện nay", ông nói.
Ngoài ra, trên thực tế phân khúc khách hàng của các nhóm hướng đến cũng có sự khác biệt, chẳng hạn các Bigtech như Vingroup tập trung vào bản thân khách hàng của họ, rồi mới phát triển ra bên ngoài. Các Fintech hướng đến các khách hàng nhỏ lẻ,...
Vị chuyên gia này cho rằng ngân hàng số là cơ hội có một không hai để ngân hàng đột phá, để nền kinh tế đột phá. "Chính phủ đề xướng cách mạng 4.0, chả nhẽ ngân hàng lại không làm gì?", ông Lực nói. Vị chuyên gia này nhận định, ngân hàng số không phải là trào lưu, đó là xu hướng phát triển tất yếu