Ngân hàng toàn cầu thay đổi chóng mặt
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng cho hay, cách đây 2 năm, khi ông đến thăm chi nhánh một ngân hàng bán lẻ lớn nhất tại Tây Ban Nha, chi nhánh này có 95 nhân viên. Thế nhưng, đến giữa năm 2018, ông được biết chi nhánh ngân hàng trên chỉ còn 3 nhân viên, bởi tất cả công việc đã được số hóa.
Không chỉ tại châu Âu mà tại nhiều nước châu Á, cuộc cách mạng ông nghệ cũng đang làm thay đổi chóng mặt mô hình kinh doanh của các ngân hàng.
Ông Michael Leung, Giám đốc Công nghệ và Vận hành, Ngân hàng China CITIC quốc tế (CNCBI HongKong) cho hay, CNCBI là ngân hàng đầu tiên tại Hong Kong áp dụng mở tài khoản từ xa. Thậm chí, ngân hàng này còn mở tài khoản cho cả phi hành gia đang ở ngoài vũ trụ (có kết nối internet). Chỉ sau 6 tháng tung dịch vụ này, CNCBI đã có trên 10.000 khách hàng mới đăng ký mở tài khoản.
“Vài năm tới, tôi không chắc là các chi nhánh ngân hàng có còn tồn tại hay không, nhưng điều chắc chắn là rất nhiều dịch vụ sẽ được chào bán qua điện thoại”, ông Michael Leung khẳng định.
Sự phát triển như vũ bão của các giải pháp công nghệ mới thời gian gần đây đang thay đổi mạnh mẽ sản phẩm, dịch vụ và cả chiến lược kinh doanh của các ngân hàng. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ thông minh nhân tạo (AI), học máy (ML), phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán (DLT), điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng (APIs)… đang giúp các ngân hàng hàng tạo nên một cuộc cách mạng mới trong tiếp cận khách hàng, đổi mới sản phẩm dịch vụ, cải thiện doanh thu, lợi nhuận.
Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Tiến Dũng, một khảo sát gần đây của NHNN cho thấy, nếu tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống, khách hàng chỉ đồng ý sử dụng 3,2 dịch vụ tiếp theo của ngân hàng. Tuy nhiên, nếu tiếp cận ngân hàng số, họ sẽ sử dụng 4,4 dịch vụ, sản phẩm tiếp theo.
Việc người tiêu dùng đang chuyển hướng và thích nghi nhanh chóng với các dịch vụ số khiến các nhà băng ngày càng coi ngân hàng số là một mảng kinh doanh chiến lược, thay vì chỉ là một mảng sản phẩm, dịch vụ như trước.
Khảo sát của NHNN tháng 4/2018 cho thấy, hiện nay đã có 94% ngân hàng tại Việt Nam bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 35% ngân hàng đã và đang triển khai xây dựng chiến lược chuyển đổi số; chỉ có 6% ngân hàng hiện chưa tính đến việc xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tổng thể.
Ngân hàng số đang là động lực tăng trưởng mới
Tăng trưởng của các ngân hàng Việt Nam lâu nay vẫn dựa vào ngân hàng truyền thống, đặc biệt hoạt động tín dụng chiếm tới 70-80% tổng doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, mô hình ngân hàng truyền thống đã chạm ngưỡng và đang cạn dần dư địa tăng trưởng. Nếu không có động lực tăng trưởng mới, các ngân hàng sẽ có nguy cơ tụt lùi.
Đơn cử, tại Techcombank, 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này chỉ đạt 3,3%. Tuy nguồn thu từ lãi vẫn chiếm tỷ lệ lớn song đã sụt giảm mạnh so với trước trong khi thu ngoài lãi tăng mạnh, đặc biệt là thu từ phí, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…
Tương tự, tại VPBank, nếu trước đây lợi nhuận của ngân hàng này phụ thuộc tới 50% vào tín dụng tiêu dùng của công ty con FE Credit thì 3 quý đầu năm nay, ngân hàng đã giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng của công ty này để hạn chế rủi ro. Lợi nhuận của ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt nhờ đẩy mạnh dịch vụ và nỗ lực đầu tư ngân hàng số cũng như tự động hóa hệ thống vận hành, giảm tối đa chi phí hoạt động. Việc ra mắt sản phẩm ngân hàng số YOLO thể hiện rõ nét sự chuyển dịch của VPBank theo xu thế số hóa các sản phẩm, dịch vụ.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính EY Việt Nam cho rằng, nỗ lực số hóa sẽ giúp các ngân hàng, công ty tài chính nâng cao hiệu suất, quy trình, từ đó giảm chi phí hoạt động, tăng cường quản trị rủi ro và mở rộng thị phần.
Coi ngân hàng số là một lĩnh vực phát triển chiến lược, hiện nay, nhiều ngân hàng Việt Nam cũng đã thành lập bộ phận riêng phát triển ngân hàng số. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để số hóa thành công, ngân hàng không chỉ đưa ra các sản phẩm, dịch vụ tiện ích để tăng trải nghiệm cho khách hàng mà còn phải đầu tư vào ngân hàng lõi (core banking) riêng cho ngân hàng số. Chỉ khi có core banking riêng, ngân hàng số mới có thể phát triển đột phá được.
Hiện trên thị trường hiện nay, chỉ mới VPBank là tiên phong trang bị ngân hàng lõi (core banking) riêng cho ngân hàng số. Điều này khiến ngân hàng số YOLO của VPBank rất khác biệt với các ngân hàng số trên thị trường. Cụ thể, ứng dụng ngân hàng số của VPBank không chỉ có các dịch vụ ngân hàng mà còn tích hợp với cả hệ sinh thái. Có nghĩa, với YOLO, ngân hàng số không chỉ phục vụ các dịch vụ ngân hàng mà còn kết nối với cả hệ sinh thái, phục vụ mọi nhu cầu thiết yếu của khách hàng.
Lý giải lý do tích hợp cả hệ sinh thái vào ứng dụng ngân hàng số, ông Shameek Bhargava, Giám đốc Khối VPDirect (VPBank) cho biết, ý tưởng này xuất phát từ một trong những thách thức lớn nhất của các ngân hàng số, đó là tính tương tác giữa ngân hàng và khách hàng rất thấp.
“Nếu bạn không khác biệt, không giữ được tính kết nối thường xuyên với khách hàng, ứng dụng của bạn sẽ bị lãng quên và đây là điểm mấu chốt mang tính sống còn đối với các ngân hàng số”, ông Shameek Bhargava cho hay.
Hiện VPBank cũng đang có kế hoạch bắt tay với một loạt đối tác khác- trong đó có các công ty lớn thuộc lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ- để làm phong phú hệ sinh thái của YOLO. Dự kiến, trong tháng 11 này, ngân hàng cũng sẽ ra mắt phương thức thanh toán QRcode theo tiêu chuẩn EMV của MasterCard để mở rộng mạng lưới thanh toán di động của YOLO. Theo đó, khách hàng sử dụng YOLO có thể thanh toán bằng QRcode tại rất nhiều cửa hàng, các điểm dịch vụ, taxi…
Với việc cung cấp nhiều tiện ích cho khách hàng, mô hình ngân hàng số kết hợp hệ sinh thái như VPBank đang tiên phong triển khai không chỉ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn giúp ngân hàng nhanh chóng mở rộng dữ liệu khách hàng. Trong thời đại Big Data, việc sở hữu hệ thống dữ liệu lớn sẽ giúp các ngân hàng bán lẻ dẫn đầu cuộc chơi, giành chiến thắng trước các đối thủ.