TPO - Sau hơn bốn tháng xảy ra sạt lở, vẫn còn 4 người dân và cán bộ xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) mất tích, chưa tìm thấy thi thể. Núi rừng tan hoang, làng mạc tiêu điều, giao thông bị tàn phá, cuộc sống người dân vùng lở núi Phước Sơn chưa biết đến bao giờ mới ổn định trở lại.
Trở lại vùng lở núi Phước Sơn. Video: Nguyễn Thành
Dù đã cơ bản thông tuyến, nhưng giao thông lên các xã vùng cao của huyện Phước Sơn (Quảng Nam) nhiều điểm vẫn còn sạt lở, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Đợt mưa, kèm bão số 9 đổ bộ vào hội tháng 10/2020 khiến các xã Phước Công, Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim của huyện Phước Sơn chịu thiệt hại nặng nề.
Nhiều vị trí sạt lở trên tuyến đường lên các xã vùng cao vẫn đang chờ tiếp tục thông tuyến.
Nhà máy thuỷ điện Đắk Mi 2 bị bồi lấp, sạt lở một phần nhà máy.
Trong mưa bão có 211 công nhân của nhà máy bị cô lập mắc kẹt tại công trường. Sau nhiều ngày, các công nhân mới được giải cứu đưa ra ngoài an toàn.
Một cây cầu lớn tại khu vực nhà máy thuỷ điện này đã bị nước lũ bẻ gãy, cuốn trôi.
Tuyến đường giao thông huyết mạch dẫn lên các xã vùng cao huyện Phước Sơn bị nước lũ tàn phá, dấu vết còn in nguyên.
Sông suối xã Phước Lộc sau các trận lở núi lởm chởm đất đá, cây rừng. Trong mưa bão, 11 người dân thôn 6 và 2 cán bộ xã Phước Công bị vùi lấp và mất tích. Đến nay, chỉ mới có tìm thấy thi thể 9 người, vẫn còn 4 người (trong đó có 1 cán bộ xã) đang còn mất tích.
Nhiều công trình giao thông, cơ sở hạ tầng của các xã vùng cao Phước Sơn được xây dựng theo nguồn vốn chương trình 30a, chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay đã bị xoá sổ, nhiều công trình hư hỏng nặng.
Trường mẫu giáo kiên cố quy mô tại xã Phước Thành bị nước lũ kèm đất đá, cây rừng từ núi cao chảy xuống hư hỏng nặng.
Một vị trí từng là nơi trú ngụ đông đúc ở xã Phước Thành bị xoá sổ chỉ còn lởm chởm đất đá. Rất may người dân đã kịp di dời nên xã Phước Thành không có người thương vong.
Chị Hồ Thị Đĩa (một người dân xã Phước Thành) với tấm hình chụp ảnh căn nhà của gia đình đình mình trước khi xảy ra sạt lở.
Trong mưa bão, núi lở, nước chảy ào ào đã cuốn mất ngôi nhà của gia định chị Đĩa và nhiều người dân khác. Nền đất của gia đình chị giờ chỉ còn ngổn ngang đất đá, căn nhà sau bao năm tích góp, gầy dựng giờ chỉ còn trong ký ức.
Một khu vực khai thác vàng ở xã Phước Lộc núi rừng nham nhở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Hàng loạt lán trại trên những quả núi không còn cây rừng, bị đào xới nham nhở để phục vụ việc khai thác vàng.
Trong khi đó, nhiều khu vực dân ở các xã vùng cao Phước Sơn núi rừng xung quanh đầy thương tích, chi chít dấu vết lở núi. Người dân và chính quyền lo sợ nếu tiếp tục có mưa lớn lở núi sẽ tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là các xã không có mặt bằng an toàn để di dời dân.
Giao thông hạ tầng bị nước lũ tàn phá khiến việc đi lại của người dân vùng cao Phước Sơn gặp khó khăn.
Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng theo chương trình nông thôn mới, nhiều địa phương của các xã vùng sạt lở Phước Sơn quay trở về điểm xuất phát với muôn vàn khó khăn.
Một cánh đồng lúa ở thôn 3 xã Phước Kim (Phước Sơn) nay trở thành cánh đồng...đá, không còn khả năng sản xuất. Theo thống kê, trong đợt mưa bão cuối năm 2020, các xã vùng cao huyện Phước Sơn có hơn 40ha ruộng, vườn, đất sản xuất của người dân bị vùi lấp.
Các hộ dân bị mất nhà cửa tại xã Phước Lộc (Phước Sơn) hiện đang phải ở nhà tạm trong khi chờ có mặt bằng để làm nhà kiên cố. "Đợt mưa lũ tổng cộng đã làm 43 hộ dân trên địa bàn xã bị thiệt hại. Hiện chúng tôi đã tiến hành làm 21 nhà tạm cho 22 hộ dân tá túc trước khi xây dựng nhà ở cho họ. Còn lại 21 hộ bị thiệt hại hiện đang ở tại các nhà bà con trên địa bàn xã”, lãnh đạo xã Phước Lộc cho hay.
Chị Hồ Thị Tuyết (xã Phước Lộc) mất nhà cửa, cùng 2 con nhỏ đang tá túc tạm tại nhà một người dân. Huyện Phước Sơn đã phê duyệt danh sách 166 hộ bị thiệt hại về nhà ở từ 50% trở lên, đồng thời cấp hinh phí hơn 4,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cho các xã để hỗ trợ các hộ gia đình làm nhà và sửa chữa nhà ở. Tuy nhiên do khó khăn về mặt bằng nên nhiều hộ vẫn chưa thể làm lại nhà kiên cố.
Học sinh các xã vùng cao huyện Phước Sơn vượt điểm sạt lở để đến trường.
Ông Hồ Công Điểm, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: Huyện đang nổ lực kiến nghị cấp trên, kêu gọi giúp đỡ từ nhiều nguồn để sớm ổn định lại cuộc sống cho người dân vùng sạt lở. Quyết tâm không để hộ dân nào phải chịu cảnh "màn trời chiếu đất", không để con em bà con vùng sạt lở phải nghỉ học. "Công cuộc tái thiết, khắc phục hậu quả sạt lở là vô cùng gian nan, khó khăn chồng chất" ông Điểm cho biết.