4 loại thuốc quen thuộc có thể gây bệnh Parkinson

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Lạm dụng thuốc có thể mở đường cho sự tấn công của Parkinson, một căn bệnh về hệ vận động với những biểu hiện rung tay chân và thân mình thường gặp ở người già.

Parkinson là bệnh rối loạn thần kinh thuộc hệ vận động, cụ thể là hệ vận động ngoại tháp (điều khiển những động tác tự động). Biểu hiện khó chịu nhất của bệnh là run tay chân và thân mình. Bệnh không gây tử vong nhưng lại khiến cho cuộc sống của bệnh nhân trở nên tồi tệ. Những bệnh nhân mắc bệnh nặng không thể cầm nắm các đồ vật chỉ vì… run. Người bệnh phải phụ thuộc vào người khác, dần dần sinh chán nản và thất vọng về bản thân và cuộc sống.

Dấu hiệu của Parkinson

Nếu bạn phát hiện 2 trong số 3 triệu chứng dưới đây nghĩa là bạn đã bị Parkinson:

- Tay, chân tự động run khi nghỉ.

- Tay, chân cứng đờ, không mềm dẻo, kém linh hoạt; cảm giác như bị giật cục khi gấp duỗi tay, chân.

- Giảm các vận động cơ nhỏ, kể cả trên gương mặt khiến mặt luôn có vẻ lãnh đạm, thờ ơ, lạnh lùng, không thể hiện sắc thái.

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác của bệnh Parkinson nguyên phát chưa được chỉ ra. Nhưng có một điều rõ ràng là ngày càng có nhiều bệnh nhân bị bệnh Parkinson do lạm dụng thuốc. Dưới đây là 4 nhóm thuốc nằm trong top nguy hiểm mà bạn cần phải cẩn trọng.

1. Nhóm thuốc an thần

Nhóm thuốc an thần là nhóm thuốc đầu bảng gây ra biến chứng Parkinson. Chúng bao gồm Phenothiazin (Clorpromazin), Butyrophenon (Haloperidol) và Thioxanthen.

Đây là những thuốc hướng thần kinh mạnh có tác dụng xoa dịu thần kinh, giúp cho hệ thần kinh nghỉ ngơi hồi phục. Nhóm này thường dùng điều trị cho các bệnh tâm thần như hưng cảm, lo âu, tâm thần phân liệt, mất ngủ, suy nhược.

Nhưng không may, chúng lại gây tác dụng phụ trên hệ thần kinh tâm thần và là một nguy cơ gây ra bệnh Parkinson. Chỉ cần dùng liều cao thuốc này trên 2 tuần là bạn đã có thể có nguy cơ bị Parkinson. Nếu dùng trên 6 tháng thì gần như 100% tai biến xảy ra.

2. Nhóm thuốc bổ não

Nhóm thuốc bổ não từ trước đến nay vẫn được xếp vào nhóm thuốc hay bị lạm dụng. Quan niệm thuốc bổ thì uống không có hại khiến cho không ít người…  “bỗng dưng” mắc bệnh. Hai loại thuốc điển hình trong nhóm này là Cinnarizin (Stugeron, Vertizin) và Flunarizin (Vasotense, Siberizin); thường xuyên được sử dụng ở những người đau đầu, chóng mặt do thiểu năng tuần hoàn não, do rối loạn tiền đình.

Việc lạm dụng thuốc này có thể gây ra các triệu chứng của bệnh Parkinson được phát hiện từ năm 1985, đồng thời các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng phụ nữ thì dễ bị tai biến hơn nam giới. Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng nhưng các chuyên gia thiên về giả thiết: Nhóm thuốc này làm ức chế bơm calci, ức chế các điểm nhận cảm dopamin mà đây lại là một chất rất cần thiết để điều trị Parkinson. Vì vậy, những bệnh nhân nữ mắc chứng tiền đình cần đặc biệt cẩn trọng với loại thuốc này để không mắc Parkinson.

3. Nhóm thuốc chẹn calci

Nhóm thuốc chẹn canxi được sử dụng cho bệnh nhân tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim khá thường xuyên và có thể phải sử dụng kéo dài. Thuốc có thể giúp bệnh nhân khống chế các rắc rối do bệnh tim mạch gây ra nhưng lại gây tác dụng phụ lên hệ thần kinh.

Amlodipine, Manidipine, Diltiazem, và Verapamil là những loại thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp, thiểu năng động mạch vành và nhịp tim nhanh thông qua việc ức chế bơm calci ở cơ tim. Tuy nhiên, chúng cũng vô tình ức chế luôn việc bơm calci trên hệ thần kinh ngoại tháp, làm ảnh hưởng đến khả năng giải phóng các chất trung gian hóa học thần kinh, dẫn đến bệnh Parkinson. Người ta đã ghi nhận có nhiều trường hợp bị bệnh này khi đang dùng những thuốc kể trên.

4. Thuốc động kinh

Thuốc chống động kinh loại axit valproic là một thuốc chống động kinh thế hệ mới có hiệu quả khá cao. Nhưng nó đang bị nghi ngờ là gây ra tác dụng phụ trên hệ thần kinh ngoại tháp. Thậm chí một số ý kiến còn cho rằng nó là nguyên nhân chính gây ra tình trạng bệnh Parkinson sau khi điều trị động kinh. Và nếu so sánh giữa việc bị co giật do động kinh thì việc run tay chân đến mức không cầm nổi cốc uống nước do Parkinson cũng không hề dễ chịu hơn.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG