Giới đầu tư đã cố đẩy các loại tài sản rủi ro đi, khiến lượng vốn hoá thị trường chứng khoán ở Nhật Bản, Mỹ và châu Âu có lúc giảm 4-5% so với giai đoạn trước khi Omicron xuất hiện. Những ngành liên quan đến đi lại như hàng không và khách sạn thiệt hại nặng hơn cả.
U.S. Global Jets, một quỹ chuyên theo dõi chỉ số của cổ phiếu hàng không toàn cầu, có lúc giảm xuống dưới 20 USD, tương đương thời điểm tháng 11/2020 trước khi có thế giới có vắc xin.
“Rất khó để quay lại lối sống như thời kỳ trước đại dịch như các chuyến công tác thường xuyên”, Soichiro Matsumoto, chiến lược gia trưởng về đầu tư tại hãng Credit Suisse chi nhánh Nhật Bản, nhận định.
Tính đến sáng qua, Omicron được phát hiện tại ít nhất 15 bang của Mỹ, bao gồm Hawaii và New York. Vì sự lây lan của biến chủng mới có thể cản trở sự khôi phục của nền kinh tế và các chuỗi cung ứng, Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ xuống 3,8%, thấp hơn 0,4 điểm.
ĐH Oxford có công cụ theo dõi để đánh giá phản ứng của các chính phủ đối với đại dịch theo thang điểm từ 0 – 100. Hạn chế các hoạt động xã hội đang trở nên nghiêm trọng hơn ở châu Âu, vì thế chỉ số này ở Đức tăng lên 70. Giới đầu tư lo ngại rằng các chuỗi cung ứng sẽ càng bị ảnh hưởng nếu hạn chế xã hội gia tăng ở Đông Nam Á và các vùng sản xuất khác.
Thị trường hàng hoá thiết yếu toàn cầu sau một thời gian tăng mạnh nay trở nên nhạy cảm với nguy cơ sụt giảm nhu cầu do biến chủng mới lây lan. Giá dầu thô tương lai ở Mỹ tụt 13% hôm 26/11 và xuống 62USD/thùng hôm 2/12, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8.
Hãng nghiên cứu Rystad Energy của Na Uy dự báo rằng nếu COVID-19 làm tái diễn tình trạng phong toả và hạn chế biên giới, nhu cầu mua dầu thô có thể giảm 3 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 1-3 tới. Thị trường dầu thô là một chỉ số quan trọng cho giá tài nguyên nói chung.