Tận tình phục vụ
Sáng 7/5, Hoàng Anh, sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Y Dược TPHCM được nghỉ học. Thay vì “buôn chuyện” hoặc đi chơi, Anh cùng nhóm bạn tình nguyện vào Bệnh viện ĐH Y Dược để giúp bệnh nhân, trong chương trình “tiếp sức người bệnh” mà nhóm cô đăng ký. Hướng dẫn người bệnh lấy số khám bệnh, dẫn họ đi đến các khoa phòng và tận tình giúp họ ghi thông tin vào sổ hay làm thủ tục nhập- xuất viện... là cách mà Hoàng Anh và nhiều sinh viên làm trong gần một tháng qua. “Bác ơi, bác khám khoa nào? Nếu khám Hô hấp thì đi theo cháu”- Hoàng Anh hướng dẫn bà Nguyễn Thị Thúy, 61 tuổi ở quận 12 khi bà trong vòng vây của nhiều xe ôm kiêm “cò” chèo kéo bán suất khám nhanh trước cổng bệnh viện. Lấy sổ, ghi thông tin cho bà Thúy xong, Hoàng Anh giúp bà đến nơi nộp tiền, dẫn bà tới phòng khám trước khi thực hiện công việc tương tự cho một bệnh nhân khác.
Hướng dẫn và dẫn người bệnh từ cổng bệnh viện đến làm thủ tục khám, điều trị.
Dù đã cải tiến quy trình tiếp nhận và khám chữa bệnh nhưng hàng nghìn người đến khám mỗi ngày nên quá tải diễn ra trầm trọng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Vũ Thị Nhung, sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM đứng trong vòng vây của người bệnh. Cô gái 20 tuổi hướng dẫn họ đi đến các khoa, làm thủ tục khám, nhập viện một cách nhanh nhất. Nhiều người thậm chí hỏi nhà vệ sinh, căng - tin cũng được Nhung hướng dẫn tận tình. Ở trên Khoa chấn thương chỉnh hình, một nhóm bạn trẻ tình nguyện khác hướng dẫn tỉ mỉ cho thân nhân người bệnh đến làm thủ tục xuất viện, số khác chỉ cho người bệnh nơi đi mua thuốc, các dịch vụ cần thiết cho bệnh nhân...
Gần một tháng nay, trước cổng Bệnh viện Ung bướu TPHCM “cò” mồi chuyên “gắp” bệnh tới đây đi khám nhanh hay chuyển ra phòng khám tư để lấy tiền công. Sự nhốn nháo vốn tồn tại mấy năm qua đã dần được dẹp bỏ khi nhóm gần 20 thanh niên tình nguyện đến từ các khoa của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược TPHCM tiếp đón bệnh nhân từ cổng cho đến các khoa phòng. Thúy An, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, rất nhiều người bệnh ở tỉnh lên đây khám và điều trị đã bị “cò” dụ dỗ đi khám nhanh hoặc ra phòng mạch tư khám để lấy tiền “hoa hồng”. “Nhóm em có lần bị “cò” dọa nhưng tất cả đều nghĩ mình làm đúng, giúp đỡ bà con thì không có gì phải sợ” - Thúy An nói. Ngoài hướng dẫn bệnh nhân, thân nhân người bệnh các thủ tục cần thiết, rất nhiều sinh viên tình nguyện đến tận giường bệnh thăm hỏi, trò chuyện với người bệnh.
Sẻ chia gánh nặng, chặn “cò”
Một tuần trước khi mẹ bị tai biến mạch máu não chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM điều trị, anh Nguyễn Văn Nam ở Đồng Tháp lúng túng vì không có ai giúp đỡ khi cần đi ra ngoài nộp tiền hay lấy thuốc. “Nhiều bạn trẻ tình nguyện thấy tôi khó khăn đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn tôi thay tã cho người nằm bất động, họ còn chăm sóc cho mẹ tôi như người thân”- anh Nam xúc động kể.
Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, đề án “tiếp sức người bệnh” ra đời từ đầu tháng 5 vừa qua. “Các tình nguyện viên không chỉ hướng dẫn người bệnh về quy trình, thủ tục khám bệnh; hỗ trợ người bệnh di chuyển tới các khoa, phòng theo yêu cầu của bác sỹ, giúp họ làm thủ tục thanh quyết toán, thủ tục nhập viện, xuất viện nhanh chóng mà còn ngăn chặn nạn “cò bệnh viện” hoành hành, lừa đảo”- bác sĩ Tĩnh nói.
Báo cáo của Tổng hội Y học Việt Nam, cho thấy tình trạng cò mồi, lừa đảo diễn ra ở hầu hết các bệnh viện lớn. Để được khám trước, khám ngay và chọn bác sĩ, đội ngũ cò mồi bắt tay với các nhân viên phát vé, quản lý việc xếp hàng vào khám, sau đó, lân la trà trộn vào đám đông, đưa ra lời đề nghị ưu tiên khám trước, khám bác sĩ giỏi... Trung bình, mỗi bệnh nhân sẽ phải chi cho cò 20 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng tùy loại dịch vụ. Vì vậy, theo anh Thuấn khi giải quyết được thủ tục hành chính, giúp người bệnh tận tình, tình trạng này sẽ thuyên giảm.
Chấm dứt 70% nạn “cò” bệnh viện
Theo bác sĩ Tĩnh mục tiêu đề án sẽ chấm dứt được 70% tình trạng “cò” bệnh viện tại những bệnh viện thực hiện đội tình nguyện. Ngoài ra, giảm tải được 30% công tác của điều dưỡng viên, nhân viên hành chính tại khoảng 100 bệnh viện thực hiện. “Đến hết năm 2015 chúng tôi xây dựng được 30 đội hình tình nguyện, với hơn 3.000 tình nguyện viên tham gia giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện ở các thành phố Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và con số này nâng lên 10.000 người vào năm 2019.