3 “kẻ cắp” thầm lặng của xương

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Đó là khi các khoáng chất trong xương của cơ thể bị chính những viên thuốc mà bạn đang uống đánh cắp mất.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), loãng xương là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây nên bệnh tật, chỉ sau bệnh tim mạch. Loãng xương là tình trạng có sự giảm khối lượng và hư hoại vi cấu trúc của hệ thống xương dẫn đến giảm sức mạnh của xương và có nguy cơ gãy xương. Người ta đã chỉ ra việc sử dụng kéo dài một số dược phẩm sau có thể gây ra loãng xương, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe con người.

1. Thuốc chống viêm Glucocorticoid

Thuốc này còn gọi là corticoid, chúng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của xương. Rất nhiều người dùng nhóm thuốc này do nó có tác dụng tốt trị các bệnh lý liên quan đến viêm mạn tính phổ biến như hen suyễn, viêm xương khớp, viêm đa khớp dạng thấp hay liên quan đến các bệnh tự miễn như luput, vẩy nến, chàm...

Dùng corticoid lâu ngày có thể bị loãng xương vì loại thuốc này làm tăng đào thải calci qua nước tiểu gây nên hiện tượng thiếu calci, sẽ làm giảm quá trình tạo xương. Ngoài ra thuốc còn gây thoái hóa protein, vốn là một chất cơ bản của xương.

2. Thuốc chống động kinh

Nếu các thuốc như: phenobarbital, phenitoin, carbamazepin... (dùng trong bệnh động kinh) được sử dụng lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ bị loãng xương. Đó là do chúng có tác dụng gây cảm ứng enzym chuyển hóa thuốc ở gan, làm cho hệ enzym chuyển hoá thuốc hoạt động mạnh hơn trong cơ thể. Từ đó dẫn đến việc làm mất hoạt tính của bất cứ thuốc nào dùng sau đó, thậm chí có thể còn làm tăng độc tính. Không những thế, chính các chất có trong cơ thể lại bị chuyển hoá ở gan để trở thành chất khác. Ví dụ như vitamin D bị chuyển hoá ở gan trở thành nên mất tác dụng của vitamin, không còn chuyển hóa tốt calci để tạo xương nữa.

3. Thuốc tránh thai

Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) mới đây đã cảnh báo mạnh mẽ đối với người tiêu dùng rằng thuốc tránh thai Depo-Provera, loại dùng để tiêm, có thể gây yếu xương cho người sử dụng.

FDA cho biết, họ sẽ yêu cầu hãng sản xuất dược Pfizer in thêm lời cảnh báo này trên vỏ thuốc. Tuy nhiên, loại dược phẩm này sẽ không bị đình chỉ lưu hành trên thị trường vì nó vẫn an toàn và hiệu quả.

Các quan chức FDA khuyến cáo: phụ nữ chỉ nên dùng Depo-Provera nếu không muốn lựa chọn các biện pháp tránh thai khác hoặc khi các loại thuốc khác không đạt hiệu quả như mong muốn. Depo-Provera là loại thuốc tránh thai dùng để tiêm theo chu kỳ 13 tuần.

Bạn có biết?

- Theo số liệu của Tổ chức Chống loãng xương quốc tế (IOF), trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị loãng xương. Ở nam giới, tỉ lệ này là 1/5. Ở Việt Nam, theo số liệu khảo sát bước đầu của Viện Dinh dưỡng, có 2,5 triệu người bị loãng xương và có trên 150.000 trường hợp bị gãy xương do loãng xương. Căn bệnh này ảnh hưởng tới 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi.

- Trong khi đó, khẩu phần ăn của người Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu hạn chế loãng xương. Lượng calci đưa vào cơ thể trung bình là 524mg/người/ ngày, thấp hơn nhiều so với nhu cầu trung bình 800-1.000mg/người/ngày đối với người lớn. Thêm vào đó, việc dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ là rất phổ biến, góp phần làm nguy cơ loãng xương tăng cao.

- Đến năm 2050, ước tính toàn thế giới sẽ có khoảng 6,3 triệu trường hợp gãy cổ xương đùi do loãng xương và châu Á chiếm 51%.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.