20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ở Hà Nội (Bài 2: Bảo tồn, phát triển làng nghề)

0:00 / 0:00
0:00
TP Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, mà còn là địa phương có 308 làng nghề truyền thống được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Quan trọng hơn, TP Hà Nội có tới 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển làng nghề luôn được cấp ủy, chính quyền Thủ đô quan tâm…
20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ở Hà Nội (Bài 2: Bảo tồn, phát triển làng nghề) ảnh 1

Nguồn vốn chính sách giúp nhiều hộ dân huyện Đông Anh phát triển nghề mộc mỹ nghệ truyền thống

Chú trọng giải quyết việc làm

Làng nghề của Hà Nội là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật và tạo việc làm, thu nhập cho hàng vạn lao động ở khu vực nông thôn. Chính vì thế, quan tâm tạo cơ hội để người dân khu vực này có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi không chỉ bảo tồn được các giá trị truyền thống mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2021, doanh thu của các làng nghề được công nhận ở Hà Nội đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và xuất khẩu qua các năm qua. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh số từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề ở mức từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Duy ở thôn Hà Khê, xã Vân Hà, huyện Đông Anh là đời thứ 6 tiếp quản nghề sản xuất mỹ nghệ của gia đình. Tuy nhiên, trải nhiều sóng gió, nghề của ông cha không phát triển, khiến gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Được sự động viên của Hội Cựu chiến binh xã Vân Hà và các cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Đông Anh, ông Duy đã vay vốn, khôi phục lại nghề và thoát nghèo. Sau gần chục năm tiếp cận nguồn vốn chính sách, cộng với những kinh nghiệm, kỹ thuật và quyết tâm cao độ, đến nay, Cựu chiến binh Nguyễn Văn Duy không chỉ phát triển được nghề gia truyền, tạo việc làm cho gần chục lao động trong thôn mà còn đưa các sản phẩm gỗ mỹ nghệ vượt biên giới đến với các nước láng giềng, mang lại doanh thu 15 tỷ đồng/năm.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đông Anh Nguyễn Văn Đức cho biết: Hội đang quản lý 27 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ trên 34 tỷ đồng với 703 tổ viên. Nguồn vốn đã giúp các Cựu chiến binh trong huyện vươn lên, phát triển sản xuất kinh doanh. Hội có 72% hộ Cựu chiến binh là hộ khá và giàu. Có nhiều hộ điển hình như ông Đặng Văn Tải, chủ cơ sở sản xuất cơ khí; ông Nguyễn Văn Luận, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ… đều vươn lên nhờ vốn chính sách ưu đãi.

Tại các làng nghề khác, nguồn vốn tín dụng cũng “thâm nhập” tận ngõ ngách, mang đến cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cơ hội duy trì, phát triển nghề truyền thống, như: sản xuất bún tại phường Phú Đô, cốm phường Mễ Trì, gò hàn phường Xuân Phương, Phương Canh, trồng đào phường Đại Mỗ, trồng bưởi tại phường Xuân Phương, Tây Mỗ… hay phát triển các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khác.

Cần sự trợ lực từ nhiều phía

Mặc dù mang trên mình nhiều giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội nhưng làng nghề không phải lúc nào cũng phát triển thịnh vượng. Không ít nghề truyền thống đứng trước nguy bị cơ mai một… Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, trước đây, toàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thế nhưng hiện nay chỉ còn 806 làng nghề, làng có nghề đang hoạt động. Đơn cử, nghề mây tre đan ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ vốn có truyền thống từ hàng trăm năm nay và từng mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ dân địa phương và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất phải nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Indonesia… nên chi phí sản xuất bị đẩy lên cao và không chủ động được nguồn nguyên liệu.

Còn tại làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông cũng đang “chóng mặt” với tình trạng đô thị hóa; cộng thêm ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nên nhiều cơ sở không duy trì nổi việc sản xuất, kinh doanh. Nếu như năm 2001, cả làng có 500 máy dệt thì đến nay, chỉ còn 300 máy hoạt động, những người giữ nghề chủ yếu thuộc lớp cao tuổi. Nếu tình trạng này mãi kéo dài, thế hệ các nghệ nhân cao tuổi mai một, thì nghề truyền thống của quê hương sẽ khó bảo tồn…

Để chấn hưng làng nghề, đặc biệt là khôi phục, bảo tồn, phát triển nghề quý bị “thất truyền”, tạo sự bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và phát triển du lịch làng nghề, chắc chắn sẽ cần sự trợ lực từ nhiều phía; trong đó có nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách như: chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo…

Cùng với nhiều giải pháp, TP Hà Nội xác định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi cho vay qua NHCSXH là kênh dẫn vốn quan trọng đến các hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nhiều năm qua, UBND TP Hà Nội đã ủy thác nguồn vốn lớn sang chi nhánh NHCSXH thành phố để giúp các hộ gia đình mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ giúp tăng thu nhập, nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn.

Đến hết tháng 7/2022, chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã nhận 6.367 tỷ đồng vốn ủy thác của chính quyền các cấp trên địa bàn Thủ đô chuyển sang (tăng 1.000 tỷ đồng so với năm 2021) để cho vay giải quyết việc làm và một số chương trình khác. Riêng 7 tháng đầu năm 2022, chi nhánh đã giải ngân cho hơn 86.100 lượt khách hàng vay vốn; trong đó, tập trung chủ yếu ở một số chương trình tín dụng như: cho vay giải quyết việc làm gần 62.700 lượt khách hàng, góp phần thu hút trên 68.600 lao động…

MỚI - NÓNG