> Viettel đã 'vượt mặt' VNPT thế nào?
> Trình diễn công nghệ dịch vụ mới tại Mobile VN 2012
“Sai một ly đi một dặm”
Theo nhận định của các chuyên gia viễn thông, Việt Nam được ví như một thị trường cho các hãng công nghệ trình diễn các công nghệ mới.
Ông Đỗ Trung Tá, Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho rằng, việc lựa chọn công nghệ nào phù hợp với thị trường là vấn đề không hề đơn giản và nó quyết định rất lớn đối với sự phát triển của mạng di động sử dụng công nghệ đó.
Vào những năm 1990, Việt Nam đã từng từ chối khéo hệ thống di động Anolog (AM) của đối tác Singtel, đồng thời phát triển mạnh hệ thống di động GSM. Hơn 1 năm sau, GSM đã thể hiện tính nổi trội hơn hẳn.
Dấu mốc thứ 2 là việc đưa công nghệ CDMA vào một số mạng di động ở Việt Nam. Theo ông Đỗ Trung Tá, lúc này dù CDMA là công nghệ rất hay nhưng do ra đời muộn khi GSM đã chiếm đến 86% thị trường di động thế giới. Chính vì thế, quyết định nhẩy vào một công nghệ “thiểu số” chỉ có một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ sử dụng là không thực sự hợp lý.
Theo thống kê, lịch sử của công nghệ di động CDMA tại VN đã có tới 4 nhà khai thác viễn thông triển khai công nghệ này là VNPT, SPT, Hanoi Telecom, EVN Telecom. Cho dù công nghệ CDMA được các chuyên gia kỹ thuật cho rằng rất tuyệt nếu so với công nghệ GSM, thế nhưng nó lại là có kết cục buồn ở thị trường VN.
Tròn 1 năm sau khi khai trương cung cấp dịch vụ di động, HT Mobile phải tuyên bố đóng cửa mạng lưới CDMA. Một lãnh đạo Hanoi Telecom cho biết sau khi khai trương mạng HT Mobie chẳng bao lâu thì tin dữ ập đến khi nhiều đại gia sản xuất thiết bị trên thế giới như Ericsson tuyên bố từ bỏ CDMA.
Những khó khăn về máy đầu cuối và sự thất thế của công nghệ CDMA trên toàn cầu khiến HT Mobile gặp phải cú “tai nạn” công nghệ. Ngày 15/12/2008, Hanoi Telecom gửi đơn xin điều chỉnh và đề án chuyển đổi công nghệ của mạng HT Mobile từ CDMA sang eGSM.
Được nhận định là có sự hậu thuẫn hùng mạnh của công ty mẹ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN Telecom bước chân vào thị trường di động với công nghệ CDMA vào năm 2005. Cho dù có nhiều điều kiện trở thành mạng di động hùng mạnh nhưng EVN Telecom lại luôn ở thế “chặn hậu” trên thị trường di động. Rút cục, EVN Telecom được “chuyển khẩu” sang cho Viettel đồng nghĩa với việc khai tử công nghệ CDMA của mạng này để chuyển toàn bộ khách hàng sang mạng Viettel trong quý I/2012.
Đến thời điểm hiện nay, câu chuyện về sức mạnh của “cộng đồng CDMA” đã trở thành giấc mơ đẹp khi mà mạng dùng công nghệ CDMA cuối cùng là S-Fone cũng sắp tuyên bố khai tử công nghệ này.
Thành công từ chọn công nghệ đúng
Cho dù là mạng di động đầu tiên của Việt Nam, nhưng MobiFone được xem là điển hình của sự lựa chọn công nghệ đúng và đã đem lại thành công cho mạng di động này.
Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, quãng thời gian từ năm 1991 đến 1993, ở châu Âu đã triển khai công nghệ di động tế bào công nghệ số GSM. Tuy nhiên, ở thời điểm đó công nghệ này còn đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa được thương mại hoá rộng rãi.
Tuy nhiên, ngành Bưu chính Viễn thông đã quyết định chọn công nghệ số để thẳng tiến tới công nghệ hiện đại và đồng bộ mạng lưới từ nội hạt, truyền dẫn đều sử dụng công nghệ số. Vì vậy, công nghệ thông tin di động được chọn lựa là công nghệ số GSM.
“Mặc dù quyết tâm đi theo con đường công nghệ số GSM, song thực tiễn lúc đó rất khó khăn do công nghệ này đang gặp khó khăn trong thương mại hóa, thiết bị đầu cuối chưa hoàn thiện và giá cực kỳ đắt đỏ, tới hàng nghìn USD/chiếc”, ông Mai Liêm Trực nói.
Cũng tại thời điểm đó, có một số ý kiến đề xuất nên chọn công nghệ di động vệ tinh toàn cầu với ưu điểm là đi khắp nơi trên thế giới đều có thể sử dụng được cho dù thiết bị đầu cuối to hơn các công nghệ khác một chút.
Thời kỳ này, công nghệ di động vệ tinh được đầu tư mạnh ở Mỹ và châu Âu. Các nhà cung cấp dịch vụ đã bắn khoảng hơn 60 quả vệ tinh tầm thấp (tương tự như trạm phát sóng di động - BTS) lên quỹ đạo vệ tinh cách trái đất khoảng 10.000 km (vệ tinh) để đảm bảo sự chuyển vùng cho các thuê bao di động.
Phải thừa nhận công nghệ di động vệ tinh lúc đó có rất nhiều ưu thế và Tổng cục Bưu điện cũng đã nghiên cứu đến công nghệ này. “Ngoài các yếu tố về thị trường, công nghệ, thiết bị đầu cuối thì vấn đề được đưa ra cân nhắc là nếu chọn mạng GSM, sẽ quản lý tốt hơn là triển khai mạng di động vệ tinh. Vì vậy, quan điểm của Tổng cục Bưu điện là vẫn phải xây dựng mạng di động thông tin mặt đất GSM. Sau này, chính sự thận trọng đã giúp chúng ta tránh được rủi ro khi công nghệ di động vệ tinh thất bại. Trong khi đó, giá thành thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối giảm đi rất nhanh nên mạng GSM thương mại hóa và phát triển mạnh trên toàn cầu”- ông Mai Liêm Trực nói.