2 trường đại học quay lưng với thẩm định chất lượng: Bộ GD&ĐT nói gì?

ĐH Kinh doanh và Công nghệ được cho là 'quay lưng' với thẩm định chất lượng.
ĐH Kinh doanh và Công nghệ được cho là 'quay lưng' với thẩm định chất lượng.
TPO - Chiều qua 2/12,  ông Lê Mỹ Phong, phụ trách phòng Kiểm định chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện hai trường ĐH là Tôn Đức Thắng và ĐH Kinh doanh và Công nghệ không hợp tác trong việc thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng (ĐBCL) vừa qua.    

Ông Lê Mỹ Phong cho biết theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia; chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án; đồng thời, gửi về Bộ GD&ĐT để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra…. Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định độc lập việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường.

Thẩm định khác với kiểm định

Chính vì vậy, ngày 27/3/2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 203 về triển khai công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học năm 2017. Theo đó, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, Bộ giao cho 04 Trung tâm KĐCLGD huy động đội ngũ chuyên gia trong cả nước tiến hành thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL cho tất cả các trường ĐH; chỉ có 24 trường ĐH đã được công nhận đạt tiêu chuẩn KĐCL trường ĐH trước ngày 15/4/2017 được miễn thẩm định trong đợt này.

Đây là năm đầu tiên công tác này được thực hiện trên quy mô cả nước, việc thẩm định mới chỉ tập trung vào các điều kiện ĐBCL cơ bản của các trường ĐH, bao gồm: giảng viên cơ hữu; quy mô đào tạo; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu (diện tích đất, diện tích sàn xây dựng, các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng thực tập, nhà tập đa năng, phòng học, thư viện, trung tâm học liệu).

Kết quả, đến 30/6/2017 có 208 trường đại học đã được thẩm định, có biên bản thống nhất được ký xác nhận giữa nhà trường ĐH với Trung tâm KĐCLGD gửi về Bộ GDĐT; có 2 trường ĐH không hợp tác với các Trung tâm KĐCLGD để thực hiện việc này.

Theo ông Lê Mỹ Phong công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL không đồng nhất với hoạt động thanh tra giáo dục hay KĐCLGD. Công tác này nhằm “chụp ảnh”, phản ánh một cách khách quan, trung thực các điều kiện ĐBCL cơ bản hiện có của trường ĐH.

KĐCLGD là một giải pháp quan trọng để bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục. Quy trình kiểm định chất lượng gồm có 4 bước: tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định kết quả đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Muốn được đánh giá ngoài, nhà trường phải làm tốt báo cáo tự đánh giá và gửi cho Trung tâm KĐCLGD thẩm định về hình thức và nội dung.

Các trường hiểu không đúng chỉ đạo của Bộ

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thẩm định 208 trường ĐH, đồng thời khẳng định có hai trường không hợp tác là ĐH Tôn Đức Thắng,  và ĐH Kinh Doanh và Công nghệ. Không đồng ý với kết luận này, Đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng cho rằng Đảng và Nhà nước nhiều lần chỉ đạo khuyến khích các trường kiểm định quốc tế. Việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải kiểm định theo hệ thống của Bộ là tước quyền tự chủ của trường, đi ngược lại chỉ đạo của Chính phủ.

Trước thông tin này, ông Phong khẳng định nhà trường đã nhầm lẫn khi cho rằng hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL thực hiện theo Kế hoạch số 203. Hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL không phải là kiểm định, việc Bộ GD&ĐT giao cho các Trung tâm KĐCLGD huy động các chuyên gia thực hiện là để tăng thêm tính độc lập, khách quan của công tác này.

2 trường đại học quay lưng với thẩm định chất lượng: Bộ GD&ĐT nói gì? ảnh 1

Còn về KĐCL giáo dục, Bộ GD&ĐT chủ trương đẩy mạnh hoạt động này theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế, khuyến khích các trường thực hiện kiểm định theo tiêu chuẩn của các tổ chức KĐCLGD nước ngoài có uy tín. “Chưa bao giờ Bộ GDĐT có yêu cầu các trường ĐH chỉ phải thực hiện kiểm định theo hệ thống của Bộ như đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng đề cập” ông Phong khẳng định.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng phản ánh Thanh tra của Bộ và Trung tâm Kiểm định vào trường làm việc về cùng một vấn đề, nghĩa là "trong vòng 1,2 tuần phải kiểm tra nhà trường hai lần".

Ông Phong cho hay hoạt động thanh tra có mục tiêu và đối tượng riêng, được thực hiện theo quy trình riêng, còn thành phần tổ thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL là những chuyên gia do Trung tâm KĐCLGD lựa chọn và nhiệm vụ của họ đã được nói ở trên.

Bộ GD&ĐT nhận được phản ảnh của các Trung tâm KĐCLGD về việc có trường viện lý do đang tiến hành kiểm định và đã được thanh tra, kiểm tra để không hợp tác thực hiện công tác thẩm định và xác nhận, kèm theo lý giải của các trường.

Bộ GD&ĐT cũng đã có Công văn số 2728 ngày 27/6/2017 gửi các trường về việc này, yêu cầu các trường hợp tác với các Trung tâm KĐCL để thực hiện công tác thẩm định, xác nhận điều kiện ĐBCL theo kế hoạch chung đã ban hành.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng phản ánh: Kiểm định trong nước trường nào cũng đạt nên không tín nhiệm. Phản bác lại quan điểm này, ông Lê Mỹ Phong khẳng định:  Nói “Kiểm định trong nước trường nào cũng đạt nên không tín nhiệm” thậm chí cho rằng “kiểm định trong nước là chuyện tào lao” là những nhận xét thiếu căn cứ, không đúng thực tiễn và đi ngược lại với những nỗ lực đáng ghi nhận của tuyệt đại đa số các trường ĐH nước ta trong quá trình đổi mới. Nhận định này cũng phủ nhận sự nỗ lực của các Trung tâm KĐCL cũng như sự cố gắng của cả hệ thống để đưa hoạt động KĐCL ngày càng thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian qua.

Trong thời gian qua, có hơn 14 trường có Báo cáo tự đánh giá chưa đạt yêu cầu nên các Trung tâm KĐCLGD sau khi thẩm định đã không chấp nhận ký hợp đồng đánh giá ngoài.

Theo số liệu cập nhật đến ngày 30/11/2017: cả nước có 213 trường ĐH hoàn thành tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn trong nước. Trong số đó, nhiều trường ĐH có truyền thống lâu đời, có uy tín và thương hiệu đã đăng ký đánh giá ngoài những đợt đầu với 4 Trung tâm KĐCL giáo dục. Các Trung tâm KĐCLGD sau khi đã thẩm định các báo cáo tự đánh giá theo đề nghị của trường, đã tiến hành đánh giá ngoài cho 78 trường ĐH, trong đó có 50 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng với sự khác biệt khá rõ về số lượng tiêu chí đạt yêu cầu và có 04 trường không đủ điều kiện để được công nhận.

Còn về phía trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, lãnh đạo nhà trường cho rằng Bộ GD&ĐT chỉ định Trung tâm KĐCLGD - ĐH Đà Nẵng kiểm định trường đúng lúc trường đang kiểm định nội bộ, nên chưa thể thực hiện đánh giá ngoài ngay; nhà trường cũng đã có văn bản gửi Trung tâm KĐCLGD và công văn phản hồi gửi đến Cục Quản lý chất lượng. 

Khẳng định lại một lần nữa, ông Phong cho biết, theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các trường ĐH được lựa chọn tổ chức KĐCLGD trong số các tổ chức KĐCLGD được Bộ GD&ĐT công nhận để KĐCL. Bộ GD&ĐT không chỉ định Trung tâm KĐCLGD - Đại học Đà Nẵng kiểm định Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mà chỉ phân công Trung tâm KĐCLGD này thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL cho 48 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, trong đó có Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

“Tuy nhiên, cũng như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phân biệt được hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL với hoạt động KĐCLGD. Các ý kiến trao đổi, phản hồi của Trường chỉ đề cập đến việc nhà trường đã và đang làm một số khâu đầu tiên của công tác kiểm định chất lượng giáo dục, mà không hợp tác với Trung tâm KĐCLGD thực hiện việc thẩm định theo Kế hoạch số 203 của Bộ GD&ĐT đã ban hành như tất cả các trường ĐH khác” – ông Phong cho hay.

MỚI - NÓNG