Trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris năm 1831, Victor Hugo biến nhà thờ thành một nhân vật chính, cùng với Quasimodo, Esmeralda và Frollo. Đó là cách của riêng nhà văn để cứu công trình khi ấy xuống cấp trầm trọng. Ông thở than khi viết về vẻ đẹp cũng như sự già nua, bị tàn phá nghiêm trọng của công trình đồ sộ khi Victor Hugo còn sống.
Victor Hugo dường như có linh cảm về vụ hỏa hoạn này cách đây 188 năm khi ông viết về công trình hùng vĩ. “Mọi cặp mắt đổ dồn về phía đỉnh nhà thờ. Những gì chúng nhìn thấy thật kinh ngạc. Trên đỉnh của phòng trưng bày cao nhất, cao hơn cả cửa sổ hoa hồng trung tâm, một ngọn lửa lớn bốc lên giữa hai gác chuông với những tia lửa cuộn lên, ngọn lửa lửa hỗn loạn và giận dữ, gió cuộn lên từng mảng trong màn khói. Bên dưới ngọn lửa này, bên dưới hành lang tối tăm hai máng nước như hai con quái vật không ngừng phun ra trận mưa bạc bỏng rẫy…”.
Không phải đám cháy thực sự, đoạn văn này mô tả cách thằng gù Quasimodo dùng để đánh lạc hướng những tên ăn mày, những tên cướp tấn công nhà thờ. Tuy thế người ta không khỏi bàng hoàng khi đọc lại đoạn văn ám ảnh đại văn hào viết 188 năm trước.
Vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris ra mắt năm 1998, lưu diễn ở hơn 20 quốc gia và dịch ra 9 thứ tiếng với dàn nghệ sĩ nổi tiếng như Hélène Ségara, Garou, Patrick Fiori.
Trước đó năm 1952, danh ca Edif Piaf trình diễn ca khúc Nhà thờ Đức Bà Paris.