1,5 tháng, giảm hơn 11.800 tỷ đồng tiền lãi vay cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính từ ngày 15/7 đến cuối tháng 9/2021, 16 ngân hàng thương mại đã thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay với tổng số tiền lãi đã giảm 11.813 tỷ đồng, đạt hơn 57% theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng.

Đây là thông tin được Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú công bố chiều nay (12/10) tại họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2021.

Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng (TCTD), đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với tổng số tiền trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng. Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ 23/01/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng.

9 tháng qua, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 nhưng tín dụng tăng ngay từ đầu năm và cải thiện hơn cùng kỳ năm 2020. Đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%).

Phó Thống đốc NHNN đánh giá, đây là con số đáng mừng trong bối cảnh nhiều địa phương giãn cách xã hội, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và khu vực Đông Nam Bộ. Bên cạnh khó khăn chung, đây cũng là tín hiệu cho thấy vẫn có doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội phát triển, có nhu cầu vốn.

“Như vậy từ nay tới cuối năm còn hơn 4,5% nữa. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 12% này cũng là tuỳ thực tế nền kinh tế, nếu đến cuối năm nhu cầu nền kinh tế cao và kiểm soát được lạm phát thì chúng tôi sẵn sàng mở thêm”, ông Tú nói.

Công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, do tác động của dịch COVID-19, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng.

Theo ông Tú, NHNN sẽ tạo điều kiện mở rộng tín dụng nếu nền kinh tế cần thiết, nhưng không đặt ra vấn đề giảm điều kiện tiếp cận tín dụng. NHNN tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu, không chỉ trung, dài hạn mà ngay tại nợ xấu trước mắt.

Các TCTD cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động và cho vay, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020, và giảm thêm 0,66%/ năm trong 8 tháng đầu năm 2021..

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đánh giá, quý 3/2021, tín dụng tăng chậm do nhu cầu còn thấp. Mặc dù ngân hàng luôn sẵn sàng, chủ động cấp vốn cho doanh nghiệp có nhu cầu nhưng doanh nghiệp muốn vay vẫn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, cần kiểm soát như chứng khoán, bất động sản tăng nhẹ. NHNN vẫn kiên định kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong các lĩnh vực này, đặc biệt là BT, BOT.

Một số lĩnh vực tăng trưởng tín dụng cao như: nông nghiệp, công nghệ thông tin và công nghệ cao.

MỚI - NÓNG