110 ngàn tấn thuốc - ai kiểm soát?

110 ngàn tấn thuốc - ai kiểm soát?
TP - Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm trong quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang bị buông lỏng, tại Phiên họp thứ 17 UBTVQH chiều qua.

> Chọn thực phẩm có nguồn gốc
> Gia tăng ngộ độc thực phẩm tại gia đình

Cục trưởng BVTV Nguyễn Xuân Hồng đi kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV ở khu trồng rau an toàn Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Phạm Anh
Cục trưởng BVTV Nguyễn Xuân Hồng đi kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV ở khu trồng rau an toàn Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Phạm Anh.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN-MT Phan Xuân Dũng cho biết, việc ban hành luật thể hiện quan điểm đổi mới của đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ, kiểm dịch thực vật (BV&KDTV), phục vụ “xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao,...”.

Thuốc bán tràn lan

Theo báo cáo của Chính phủ, trung bình mỗi năm có tới 10% mẫu thuốc BVTV nhập khẩu, 7% mẫu thuốc BVTV lưu thông trên thị trường không bảo đảm chất lượng; gần 3.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc vi phạm quy định về nhãn mác thuốc BVTV thuộc diện phải thu hồi.

Lượng hóa chất BVTV sử dụng liên tục tăng, năm 2005 là 35.000 tấn, năm 2008 là 110.000 tấn và thông thường lượng bao bì chiếm khoảng 10% lượng thuốc tiêu thụ. Như vậy, riêng năm 2008 đã thải ra môi trường 11.000 tấn bao bì các loại.

 Bộ sẽ tăng cường kiểm soát, rà soát thị trường, chỉ cấp phép có thời hạn đối với hoạt động nhập khẩu, từng bước rà soát, siết lại, loại bỏ danh mục thuốc BVTV lạc hậu.

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nêu thực trạng, ở nhiều nơi thuốc BVTV bán tràn lan từ “đầu làng đến cuối xã, nhưng không cấm được”. Phải quy định làm sao để việc kinh doanh thuốc được kiểm soát chặt chẽ, không bung ra như nấm.

“Chính mấy người bán hàng cũng là người tư vấn cho người nông dân cách sử dụng thuốc. Hàng hết đát vẫn bán, dân phun 5-6 lần sâu không chết, lúa vẫn bệnh. Người dân chịu đựng chi phí cao, dùng nhiều thuốc, nhưng không đạt hiệu quả. Tại dự thảo Luật tôi tìm mãi nhưng chưa thấy rõ biện pháp để quản lý vấn đề này” - ông Phúc phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Phùng Quốc Hiển cho rằng, sử dụng thuốc trong sản xuất rất nguy hiểm, “có việc người ta dùng thuốc chữa bệnh, thuốc chống viêm phổi tiêm cho lợn để tích nước, tăng trọng”.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội Trương Thị Mai lo ngại việc quản lý hơn 800 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường.

“Kiểm tra chỉ có 10% không đạt, nhưng ngay đến người trồng cũng không dám ăn rau phun thuốc đó?! Mỗi năm đưa ra hơn 110 ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát thế nào đây?” - bà Mai lo lắng.

Trách nhiệm Bộ NN&PTNT đến đâu?

Từ thực tế trên, qua thẩm tra dự luật, Thường trực Ủy ban KHCN-MT kiến nghị Ban soạn thảo quy định chặt chẽ việc quản lý, sử dụng thuốc BVTV. “Để bảo đảm quản lý tốt chất lượng thuốc, hiệu quả sử dụng thuốc, kiểm soát tồn dư thuốc trong nông sản thực phẩm, đề nghị bổ sung quy định về kiểm định, kiểm tra nhà nước đối với thuốc BVTV nhập khẩu, thuốc BVTV lưu thông trên thị trường” - ông Phan Xuân Dũng nói.

Ông Dũng cho biết, nhiều kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ NN&PTNT với vai trò quản lý; trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành với bộ này và phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện và cấp xã.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, đúng là cần nêu rõ hơn trách nhiệm của Bộ NN&PTNT tại dự luật. Để tăng cường quản lý hơn 27 nghìn cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, Bộ đang cố gắng chấn chỉnh.

“Dự thảo có điểm mới là cho phép hình thành loại hình dịch vụ BVTV. Bởi thực tế, nếu để nông dân tự phun thuốc sẽ tốn kém hơn, mà hiệu quả lại thấp hơn. Phải bằng con đường này mới kiểm soát được việc sử dụng thuốc bừa bãi hiện nay” - ông Phát cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
TPO - Đề văn của một trường THPT tại TPHCM ra yêu cầu ngắn gọn: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Một số phụ huynh nhận định đề thi thú vị, mang tính thời sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng từ "phông bạt" xuất hiện trong đề thi là không phù hợp.