>> 108 phút vượt qua nghìn thế kỷ
>> 108 phút vượt qua nghìn thế kỷ - tiếp theo
>> 108 phút vượt qua nghìn thế kỷ
Trên đỉnh vinh quang
Khó có thể tưởng tượng được mức độ của vinh quang đã trùm lên Gagarin sau chuyến bay vũ trụ. Một niềm vinh quang không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia và thiên kiến chính trị. Một niềm vinh quang lớn đến mức mà khi ông hi sinh trong tai nạn máy bay, nảy sinh cả những giả thuyết vu cáo rằng chính cơ quan đặc vụ Liên Xô đã đạo diễn cái chết này vì ông nổi tiếng đến mức át cả Tổng Bí thư!
Ở Liên Xô, ngoài các danh hiệu Anh hùng Liên Xô, Phi công vũ trụ Xô Viết, Huân chương Lenin và phong 2 cấp bậc một lúc, Gagarin còn giành được tình yêu mến của toàn dân. Đi đến đâu ông cũng được đón tiếp ở quy mô ... nguyên thủ, ai cũng cảm thấy vui và vinh dự được gặp mặt ông. Trong các nhà hộ sinh toàn Liên Xô, tăng vọt các bé trai được đặt tên Yury.
Người duy nhất được quốc tang mà không phải là lãnh đạo đương nhiệm Đảng, Nhà nước Liên Xô đã công bố quốc tang. Gagarin là trường hợp duy nhất được tiến hành quốc tang mà không phải là lãnh đạo đương nhiệm cao cấp của Đảng, Nhà nước. Hộp tro di hài của Gagarin và Seryogin được đặt trên tường Điện Kreml, bên cạnh di cốt những người khổng lồ khác của chính quyền Xô Viết. |
Còn ở bình diện quốc tế, ông là nhân vật của toàn cầu và có thể nói trong một thời gian nhất định là người nổi tiếng nhất thế giới. Ông là Christopher Columbus, là công dân số 1 của Vũ Trụ. Cuối tháng 4-1961, Gagarin đã lên đường trong chuyến thăm quốc tế đầu tiên, "Sứ mệnh hòa bình" như lời một số người mô tả nhiệm vụ của Gagarin khiến ông đi nước ngoài liên miên trong vòng 2 năm trời. Trong thời gian đó, ông đến hàng chục nước, xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, gặp gỡ hàng chục nghìn người, nhận nhiều phần thưởng danh dự của các quốc gia, từ danh hiệu anh hùng (trong đó có danh hiệu Anh hùng lao động của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà), cho đến các huân huy chương cao quý nhất; trở thành công dân danh dự, thành viên thanh dự của hàng chục thành phố, tổ chức xã hội... Nữ hoàng Anh, lãnh tụ Fidel, nhà cách mạng lừng danh Che Guevara... và nhiều nguyên thủ, nhiều nhà hoạt động xã hội, văn hóa, nghệ sĩ, doanh nhân lớn khác nữa vui mừng được gặp ông. Mỹ nhân, siêu sao màn bạc thế giới Gina Lollobrigida (người Ý) sung sướng được hôn lên má Gagarin và dùng máy ảnh bấm lia lịa để lưu hình ông. Một bộ lạc ở châu Phi còn bầu ông là thủ lĩnh danh dự.
Còn ở Liên Xô, các cuộc thăm viếng kéo dài liên miên đến 3 năm trời. Các cuộc thăm viếng ấy, bên cạnh tất cả những gì tốt đẹp, có mặt tiêu cực là đều kèm theo tiệc tùng mà trong đó từ những quan chức cao cấp, bộ trưởng, nguyên soái, viện sĩ... đến người dân bình thường, nếu có cơ hội đều phải cố chạm cốc bằng được với Gagarin với hàng tỷ lý do, mà đã chạm cốc là là dốc cạn, nói theo ngôn ngữ Việt hiện đại là "trăm phần trăm" . Thành thử nhà du hành vũ trụ số 1 của loài người, vốn là một chàng trai cởi mở và đôn hậu, nhiều lần rơi vào tình trạng sống dở chết dở và có những lần suýt nguy hiểm đến tính mạng.
Mặc dù có thể chất và cá tính rất mạnh mẽ, làm chủ mình trong bất cứ tình huống nào, nhưng cuộc sống như vậy không thể không ảnh hưởng tiêu cực lên sức khoẻ của Gagarin. Ông nặng thêm đến 7-8 kg, không còn tập thể thao và đương nhiên không bay nữa (thực ra trong một thời gian khá lâu, ông có muốn cũng không ai cho bay vì ông đã trở thành báu vật sống của quốc gia, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối).
Fidel Castro chào đón Gagarin. |
Ước mơ vươn tới mặt trăng
Rất may là Gagarin không mắc bệnh ngôi sao và ông vẫn bắt tay vào việc. Từ 23-5-1961, ông là chỉ huy trưởng đội du hành vũ trụ Liên Xô. Mùa thu năm 1961, ông vào Học viện Kỹ thuật Không quân mang tên N.E. Dzukovsky để học bậc đại học. Những năm tháng tiếp theo rất căng thẳng đối với Gagarin. Ông vừa phải hoàn thành khối lượng công việc xã hội và lễ tân khổng lồ, vừa phải học và từ 20-12-1963, lại gánh thêm cả trách nhiệm Phó chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện du hành vũ trụ. Bên cạnh đó, ông là đại biểu Xô Viết tối cao Liên Xô hai khóa, là Ủy viên BCH T.Ư Đoàn TNCS Liên Xô mang tên Lenin, Chủ tịch Hội Hữu nghị Liên Xô - Cuba...
Nhưng ước vọng lớn lao nhất của Gagarin là trở lại khoảng không vũ trụ bao la. Do tất cả những điều kể trên, khá lâu ông mới có điều kiện trở lại với những chuyến bay. Theo một tài liệu tương đối chính thức, ông trở lại cầm lái máy bay năm 1963, và bước vào luyện tập cho một chuyến bay mới vào vũ trụ năm 1966. Tuy nhiên, có lẽ có cơ sở để nghi ngờ tình tiết này vì trong chuyến bay định mệnh 27-3-1968, Gagarin vẫn còn phải bay với hướng dẫn viên bay kèm, chứng tỏ cho tới lúc đó, kỹ năng bay của ông vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Trong những năm tháng đó, Liên Xô lại đang chạy đua với Mỹ về chương trình đưa người lên mặt trăng. Dễ hiểu là Gagarin muốn trở thành người đầu tiên đặt chân lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất đến thế nào. Nhưng điều đó còn xa, trước tiên là phải học bay trên thế hệ tàu vũ trụ Liên hợp, tiên tiến hơn thế hệ tàu Phương Đông, lúc này đang trong giai đoạn bay thử nghiệm. Mặc dù đã là chỉ huy, Gagarin vẫn đứng vào đội ngũ của những phi công đi tiên phong trong chương trình mới. Kíp bay đầu tiên bay trên tàu thế hệ mới Liên hợp gồm Vladimir Komarov và Gagarin.
Gagarin chỉ ở vị trí dự bị cho Komarov trong chuyến bay dự kiến vào tháng 4-1967 vì như đã nói, ông là báu vật sống quốc gia, mà việc bay trên con tàu mới còn chưa biết kết thúc lành dữ thế nào. Và quả thật, quyết định không để Gagarin bay đầu tiên trên loại tàu Liên hợp là có tầm nhìn xa. Tàu Liên hợp 1 đã gặp sự cố kỹ thuật khiến nhà du hành Komarov tử nạn. Trong tang lễ Komarov, Gagarin hứa rằng những người còn sống sẽ học bay bằng được trên tàu Liên hợp. Và lời hứa đã được thực hiện, các thế hệ tàu Liên hợp vẫn bay cho đến tận bây giờ, nhưng không có Gagarin...
Có tài liệu nói rằng, Gagarin là người có tư duy vượt thời đại khi 9 tháng trước ngày hi sinh, ông đề xuất để một nhà du hành vũ trụ Liên Xô bay với một phi đội Mỹ vào không gian. Nhưng đề nghị này không thể được đáp ứng trong bối cảnh quan hệ quốc tế lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ai cũng biết sau này các đội bay hỗn hợp quốc tế, trong đó có Xô - Mỹ liên tục bay vào khoảng không vũ trụ và cùng làm việc trên các trạm vũ trụ ở quỹ đạo gần Trái Đất.
Ra đi
1968 trở thành năm cuối cùng trong cuộc đời Gagarin. Ngày 17-2, ông bảo vệ luận văn tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Không quân mang tên Dzukovsky. Và tiếp tục luyện tập để bay vào vũ trụ. Ông tập bay trên loại máy bay huấn luyện MIG-15UTI có hệ thống điều khiển đôi cho cả học viên lẫn người hướng dẫn. Từ 13 đến 22-3-1968, ông thực hiện 18 chuyến bay có người hướng dẫn bay kèm, tổng thời gian bay là 7 giờ. Chỉ cần 2 chuyến bay tập như thế nữa là ông có quyền bay một mình. Hai chuyến bay cuối này, người hướng dẫn bay cùng ông là trung đoàn trưởng, phi công huấn luyện, Anh hùng Liên Xô Vladimir Seryogin.
Ngày 27-3-1968, lúc 10h18', hai người bay lên từ sân bay Chkalovsky ở gần Mátxcơva. Thời điểm xuất phát, thời tiết bình thường. Chuyến bay tập phải kéo dài ít nhất 20 phút, nhưng mới đến 10h30', Gagarin đã báo cáo với mặt đất là nhiệm vụ đã hoàn thành và xin phép được trở lại căn cứ hạ cánh. Ngay sau đó, liên lạc với máy bay bị mất.
Khi tính toán thấy máy bay của Gagarin nếu còn bay thì đã hết nhiên liệu, người ta bắt đầu tổ chức tìm kiếm trong khu vực. Cuộc tìm kiếm kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Vào 14h50', một trong các máy bay trực thăng đã phát hiện các mảnh vụn của chiếc máy bay ở ví trí cách sân bay khoảng 65 km. Sáng hôm sau, người ta tìm thấy một mảnh áo bay của Gagarin còn cả tập phiếu ăn trong đó. Sau đó, tìm được ví có bằng lái xe, 40 rúp và ảnh Tổng công trình sư vũ trụ S. Korolyov.
Một ủy ban điều tra của nhà nước được thành lập để điều tra về tai nạn dẫn đến cái chết của Gagarin. Kết quả cuộc điều tra rộng lớn ấy được giữ kín cho đến trước dịp kỉ niệm 50 năm chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ vừa qua mới được giải mật. Ủy ban điều tra cho rằng máy bay của Gagarin và Seryogin đã bổ nhào quá gấp để tránh một bóng thám không nên đâm xuống đất. Trong suốt mấy mươi năm trước khi bí mật quốc gia này được công bố, có hàng chục giả thuyết về cái chết của ông, từ những điều gần với sự thật vừa được giải mật cho đến những thứ hoang đường như Gagarin bị người ngoài hành tinh bắt cóc (nhà tiên tri Vanga cũng nói rằng ông bị bắt đi); hay Gagarin tự tạo hiện trường giả một vụ tai nạn, còn bản thân ông thì lui vào sống ẩn dật và qua đời khi đã đứng tuổi ở đâu đó...
* Đón đọc kỳ tiếp: Những người phụ nữ yêu thương của Gagarin