1001 thắc mắc: Những động vật nào là đối thủ khiến rắn hổ mang sợ 'chết khiếp'?

TPO - Rắn hổ mang đem đến nỗi khiếp sợ cho các động vật khác bởi nọc độc chết chóc, nhưng loài rắn độc này cũng có những thiên địch khiến chúng phải dè chừng.

Theo trang Animal, các loài rắn hổ mang được tìm thấy ở những môi trường sống khác nhau nên chúng cũng bị săn đuổi bởi những kẻ săn mồi khác nhau. 

1001 thắc mắc: Những động vật nào là đối thủ khiến rắn hổ mang sợ 'chết khiếp'? ảnh 1
 

Cầy Mangut

Không chỉ là “kẻ thù truyền kiếp” của các loài rắn độc, cầy Mangut còn dám chấp cả sư tử châu Phi, thậm chí đấu “một chọi bốn” mà vẫn… an toàn chuồn lẹ.

Trong tiếng Anh, cầy Mangut được gọi là "mongoose", bắt nguồn từ tiếng Hindi cổ điển trong tên Ấn Độ của nó: "Maṅgus", hay "Muṅgus".

Nhờ có các thụ thể acetylcholin chuyên biệt, tạo ra khả năng kháng hoặc miễn nhiễm với nọc rắn độc, loài cầy Mangut nổi tiếng về khả năng diệt rắn độc, đặc biệt là rắn hổ mang – món khoái khẩu của chúng. 

Cầy Mangut là "khắc tinh" của rắn hổ mang châu Á. Diều ăn rắn và kỳ đà là nỗi khiếp sợ của rắn hổ mang châu Phi. Ở tất cả các khu vực, rắn hổ mang mới nở hoặc con chưa trưởng thành dễ bị tấn công và giết chết bởi kẻ săn mồi vì kích thước nhỏ, răng nanh và phạm vi tấn công của chúng chưa hoàn thiện. 

Cầy Mangut cũng là loài "khắc tinh" nổi tiếng của rắn hổ mang. Không những nhanh nhẹn, tinh ranh, loài động vật này còn có thể miễn dịch với nọc rắn.

Tờ LA Times (Mỹ) dẫn lời giải thích của các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Weizmann (Israel), cầy Mangut không "hề hấn" gì khi bị rắn hổ mang cắn là do loài này có một thụ thể acetylcholine đột biến.

Nọc của nhiều loại rắn độc, bao gồm cả rắn hổ mang, khóa các thụ thể acetylcholine của con mồi, ngăn sự liên lạc giữa hệ thần kinh và các cơ. Các nhà khoa học phát hiện thụ thể acetylcholine của cầy Mangut, giống như loài rắn, bị đột biến nhẹ để nọc độc bị bật ra khỏi các tế bào cơ, khiến chúng không bị trúng độc. 

Khi tấn công rắn hổ mang, cầy Mangut thường dựng đứng phần đuôi khiến con rắn độc bối rối. Cầy Mangut, giống như nhiều loài săn rắn khác, sẽ cố cắn vào con rắn hổ mang từ phía sau đầu. Đây là phát cắn chí mạng mà vẫn giúp cầy Mangut tránh khỏi những chiếc răng nanh sắc nhọn đầy nọc độc. 

1001 thắc mắc: Những động vật nào là đối thủ khiến rắn hổ mang sợ 'chết khiếp'? ảnh 2
 

Kỳ đà

Đây là loài loài bò sát "xơi tái" mọi loại rắn, kể cả rắn độc, bao gồm hổ mang. Nhiều người cho rằng kỳ đà miễn dịch với nọc độc rắn. Tuy nhiên, theo Daniel Bennett, tác giả cuốn sách A Little Book of Monitor Lizards (Tạm dịch: Cuốn sách nhỏ về kỳ đà), cho biết, vẫn chưa rõ cơ chế kỳ đà chống chọi với nọc rắn.

Rất có thể, lớp da của kỳ đà cứng và dày khiến răng nanh của rắn hổ mang không thể xuyên qua để bơm nọc độc vào cơ thể. Trong lúc ăn, kỳ đà còn nhắm mắt để rắn hổ mang không thể tấn công vào đó. 

1001 thắc mắc: Những động vật nào là đối thủ khiến rắn hổ mang sợ 'chết khiếp'? ảnh 3
 

Lửng mật

Lửng Mật có tên khoa học Mellivora capensis, là một loài động vật có vú thuộc họ chồn. Chúng sở hữu những "siêu năng lực" khiến chúng ta phải bất ngờ.

Lửng Mật đã là một chiến binh ngay từ khi được sinh ra. Chúng không hề quan tâm đến đối tượng mà mình sắp sửa tấn công, dù đó là nhím, báo, sư tử hay trâu. Có lẽ tính gan dạ này của Lửng Mật xuất phát từ lớp da dày mà răng của các động vật ăn thịt hay thậm chí là nhiều loại vũ khí cũng khó lòng xuyên thủng.

Loài vật này còn thông minh và ranh ma đến mức dám trộm con mồi của báo hoa mai giấu trên cây cao. Đặc biệt nhất, chúng có khả năng đề kháng nọc độc. Các nhà làm phim về thế giới động vật đã chứng kiến cảnh lửng mật bị rắn hổ lục và rắn lục phì cắn làm nó lịm đi, tưởng chết. Tuy nhiên, chỉ 2 giờ sau, nó đã tỉnh dậy và... khỏe mạnh bình thường.

Lửng mật cũng là loài mà rắn hổ mang "ngao ngán" khi đụng phải. Loài động vật này là khắc tinh của rắn hổ mang nói riêng và rắn độc nói chung nhờ 2 yếu tố: lớp da dày, cứng và hệ miễn dịch đặc biệt. 

Trang National Geographic từng nhắc đến trường hợp lửng mật đối đầu với một trong các loài rắn độc nhất trên thế giới, rắn phì châu Phi hay còn được mệnh danh là "cỗ quan tài châu Phi". Nọc độc của rắn phì Châu Phi có thể hủy hoại các mô. Nhưng khi đối đầu với lửng mật thì sao? Lửng mật lao vào tấn công cắn chết rắn phì châu Phi nhưng trước đó nó cũng bị con rắn độc cắn. Vết cắn khiến con lửng mật bị hôn mê, lịm đi một lúc. Sau vài giờ, nó lại tỉnh dậy và "đánh chén" con rắn phì vừa giết được. 

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu về nọc độc cho rằng lửng mật có thể phát triển khả năng miễn dịch trong suốt vòng đời của chúng sau khi chịu vô số các vết cắn, chích nhỏ từ ong, bọ cạp, rắn...  

1001 thắc mắc: Những động vật nào là đối thủ khiến rắn hổ mang sợ 'chết khiếp'? ảnh 4
 

Diều săn rắn

Diều săn rắn là loài chim cao, sống ở vùng đồng bằng châu Phi. Khi ăn rắn, diều săn rắn sử dụng phần chân dài, có vảy cứng, nhiều lông của mình để ngăn không cho con rắn cắn lại. 

Chim diều ăn rắn tên thường gọi là Sagittarius serpentarius sống trong những đồng cỏ hoang thuộc miền Nam Sahara. Người phương Tây còn đặt tên cho chúng là "chim thư ký". Sở dĩ được gọi "Chim diều ăn rắn" bởi khả năng tuyệt vời của chúng trong việc chế ngự và xơi tái bất cứ con rắn nào bất kể con rắn đó có nọc độc mạnh. Trên thực tế chim Sagittarius serpentarius cũng sẽ chết nếu bị rắn độc cắn trúng.

Cảnh chim Sagittarius serpentarius bắt rắn cũng rất kỳ lạ: Nó tóm lấy con rắn bằng những móng chân chắc khỏe và đập đầu con rắn cho đến chết, đồng thời tự bảo vệ mình khỏi bị cắn bằng đôi cánh to lớn đầy lông. Cũng có khi nó chộp con rắn và tung con rắn lên cao nhiều lần khiến cho con mồi bất tỉnh. Nó biết kiểm tra con rắn cẩn thận trước khi nuốt. Ở Nam Phi, người ta thường nuôi loại chim này để giết rắn và chuột.

Chim diều ăn rắn thường dùng cách giẫm đạp thật mạnh để giết con mồi. Hầu hết những con vật bò trên mặt đất như côn trùng, thằn lằn, rắn hay một số động vật hữu nhũ nhỏ đều có thể trở thành mồi. Chúng có thể chạy đuổi theo bắt mồi, ngoài việc dùng mỏ sục sạo, chim Sagittarius serpentarius còn biết giẫm đạp vào bụi cây cỏ để làm con mồi hoảng sợ chạy ra.

Còn khi bị rượt đuổi, chim Sagittarius serpentarius thường đi thật nhanh khỏi chỗ nguy hiểm, hay có thể vừa dang cánh ra vừa chạy. Nhưng nếu quá nguy cấp, chúng có thể bay vút lên. Chúng biết dựa theo hơi nóng từ dưới đất bốc lên để bay rất cao và xa. Tuy chúng bay giỏi, nhưng hiếm thấy chúng bay.

Các loài săn mồi cơ hội

Một số loài động vật khác có thể tấn công rắn hổ mang khi có cơ hội là: cá sấu, đại bàng, diều hâu... Con người cũng là giống loài săn bắt rắn hổ mang vì mục đích thương mại. Thậm chí, rắn hổ mang phải dè chừng bởi loài rắn độc lớn nhất thế giới: Rắn hổ mang chúa. 

Nhiều người thường nói, lợn cũng là một trong những khắc tinh của loài rắn, khi gặp hang rắn sẽ không bỏ qua mà đào bắt cho kỳ được. Thậm chí, rắn khi nhìn thấy lợn thì sợ mất vía, chỉ còn biết cuộn tròn lại.

Thực tế, lợn không phải là “thợ săn rắn” mà nó chỉ tấn công rắn đơn giản là phản ứng theo bản năng, trang web Snake Removal cho hay. Khi nhìn thấy bất kỳ con rắn nào đến gần đàn con, lợn sẽ ngay lập tức dùng chân giẫm rắn đến chết, vì nó muốn bảo vệ đàn con. 

Rắn có thể cắn lợn, nhưng do lợn có rất nhiều mô mỡ trên người nên nọc độc khó có thể xâm nhập được vào máu của chúng, theo trang Minipiginfor.

Video Hổ mang Ai Cập bị diều hâu chặn đường giữa sa mạc không lối thoát:

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.