1001 thắc mắc: Một con kiến có thể sống sót nếu rơi từ nóc nhà cao ốc hay không?

0:00 / 0:00
0:00
1001 thắc mắc: Một con kiến có thể sống sót nếu rơi từ nóc nhà cao ốc hay không?
Thông thường nếu chẳng may bị rơi từ nóc toà nhà cao ốc với độ cao hàng trăm mét, bạn sẽ bị tan xương, nát thịt. Còn với những chú kiến bé nhỏ thì sao?

Với kiến và các loài vật nhỏ, sức cản của không khí giúp chúng rất nhiều và làm cho vận tốc rơi của chúng rất chậm, đôi khi gia tốc của chúng còn âm (do gió thổi ngược lên).Do vậy, kiến gần như chẳng bị tổn thương gì khi rơi xuống từ nóc của các tòa nhà cao ốc.

Tất cả các vật thể khi rơi xuống trong không khí đều có vận tốc đầu cuối phụ thuộc vào kích cỡ, hình dạng và khối lượng của chúng. Vận tốc đầu cuối của một con kiến (6.4 km/h, theo khoa vật lý của Đại học Illinois) sẽ khác biệt rất nhiều so với vận tốc đầu cuối của con người (khoảng 200 km/h).

"Đối với chuột và bất kỳ động vật nhỏ nào, thật sự không có gì nguy hiểm. Bạn có thể thả một con chuột xuống một hầm mỏ sâu gần 1000 mét và khi chạm đáy, nó sẽ bị choáng nhẹ và chạy đi chỗ khác, với điều kiện là mặt đất khá mềm. Lực cản không khí tác động lên vật chuyển động tỷ lệ thuận với bề mặt của vật đó. Nếu lần lượt chia chiều dài, chiều rộng và chiều cao của một con vật cho 10 thì khối lượng của nó giảm xuống 1000 lần trong khi diện tích bề mặt chỉ giảm 100 lần. Do đó, lực cản không khí đối với những con vật có kích thước nhỏ thường cao gấp 10 lần so với lực phát động. Vì lẽ đó, trọng lực thường không phải là vấn đề đối với côn trùng, nó có thể rơi tự do mà không gặp nguy hiểm, kèm theo khả năng bám nữa chứ."

Michael Kaspari là một nhà sinh thái học tại Đại học Oklahoma (Mỹ), người đã nghiên cứu những hoạt động trên không của kiến không cánh. Nghiên cứu cho thấy khi kiến đang phải đối mặt với một con thú săn mồi, chúng sẽ nhảy ngay trên không trung từ các cành cây cao và sử dụng chân để điều khiển hướng bay sao cho đến được thân cây. Hai chân sau dài hơn sẽ giúp kiến lướt trên không khí, giúp nó tránh rơi vào những nơi mà chúng cho rằng nguy hiểm. Với khả năng này, có thể kiến đã tìm cách để bám vào đâu đó trước khi nó rớt xuống mặt đất, mà cho dù có bám được hay không thì kiến vẫn sẽ không chết nếu tiếp đất đâu.

Sinh vật cổ đại bậc nhất vẫn tồn tại cho đến ngày nay

Người ta cho rằng, hiện trái đất có tới 10 triệu tỉ con kiến, bất chấp việc mỗi ngày chúng bị giết rất nhiều. Theo giới sinh vật, ước tính loài kiến chiếm khoảng 15-20% tổng số cá thể động vật sống trên cạn.

Kiến là động vật thuộc bộ cánh màng, lớp sâu bọ. Nhà khoa học Corrie Moreau và các đồng nghiệp người Pháp đã công bố một nghiên cứu cho thấy kiến xuất hiện cách đây từ 140 đến 170 triệu năm. Có nghĩa chúng là sinh vật cổ đại bậc nhất vẫn tồn tại cho đến ngày nay, bất chấp sự biến động dữ dội của trái đất.

Từ đó người ta nhận thấy kiến có khả năng sinh tồn rất cao trong tất cả các điều kiện thời tiết. Khả năng sống sót ấy do thiên nhiên ban tặng, vì rằng chúng không cho thấy có dấu hiệu biến đổi cho phù hợp. Có nghĩa là rất có thể một con kiến cách đây 170 triệu năm với một con kiến bây giờ cũng không khác gì nhau.

Người ta cho rằng, trái đất tồn tại khoảng 20.000 loài khác nhau, với 4.500 họ. Chúng có mặt ở tất cả mọi nơi trên trái dất. Ngay cả những nơi cực kỳ lạnh giá là hai cực của trái đất, hay là giữa tâm xích đạo nóng như nung. Kiến có nhiều chủng loại, nhưng màu sắc thường chỉ là đỏ hoặc đen. Cá biệt mới có loài pha thêm màu trắng.

Kiến là loài sống bầy đàn, với cách tổ chức xã hội khá riêng biệt. Mỗi tổ kiến trung bình có khoảng 100.000 con trong một đàn với một mẹ duy nhất (kiến Chúa, có thể sống dai tới 30 năm). Ở đây, có điều gì đó giống cách tổ chức cuộc sống bầy đàn của loài ong. Tuyệt đại số kiến con lại trong đàn là kiến thợ (chỉ sống từ 1-2 năm)- được ví như những lao động chăm chỉ, miệt mài nhất trái đất. Công việc của kiến thợ là chăm sóc kiến chúa, ấp trứng, chuyển trứng, nuôi kiến con, xây dựng hang, kiếm thức ăn, canh gác...

Cũng ít người biết rằng, tất cả kiến thợ đều là giống cái nhưng cơ quan sinh sản chưa phát triển đầy đủ, nên không bao giờ có thể trở thành kiến Chúa mà mãi mãi chỉ là chân “cu-li” từ khi sinh ra cho đến chết.

Kiến được xem là loài mạnh nhất vì chúng có thể vác thức ăn nặng hơn chúng cả 10 lần. Nhưng để vận chuyển lượng thức ăn nặng nề đó, chúng phải dùng sức mạnh tập thể trong sự phối hợp. Chúng cùng nhau khiêng thức ăn kiếm được một cách rất dễ dàng, khi mà cả ngàn con cùng chung sức.

Kiến ở đâu cũng có, ai cũng có thể nhìn thấy chúng hoặc bị chúng đốt, nhưng ít người biết rằng chúng cũng có những tác dụng tích cực. Người Masai ở phía đông châu Phi có thói quen dùng kiến làm công cụ chữa lành vết thương. Khi một người trong bộ lạc bị thương, họ sẽ bắt một vài con to xác trong đàn “kiến quân đội” để chúng cắn ở hai bên vết thương, sau đó bỏ phần thân kiến mà chỉ giữ lại phần đầu kiến trên vết thương. Từ đó vết thương không chảy máu và lành lại một cách nhanh chóng.

Và những thú vị về loài kiến

Kiến là loài vật có cuộc sống khá vệ sinh. Cụ thể là việc xử lý những con bị chết. Khi một con chết, các con kiến khác trong đàn sẽ cùng nhau khiêng xác con kiến xấu số ra khỏi tổ, với mục đích duy nhất là giữ vệ sinh, tránh nhiễm trùng hoặc dịch bệnh lây lan. Lũ kiến thợ sẽ lo việc khiêng vác dưới sự chỉ huy của một con kiến được cho là có vai trò đảm trách việc mai táng của đàn.

Cũng thật ngạc nhiên khi người ta biết rằng kiến là loài côn trùng có hệ thống tổ chức rất tiến bộ. Cùng với kiến Chúa, kiến thợ, kiến chỉ huy mai táng thì còn có kiến “thầy giáo”. Sinh ra, để có đủ kỹ năng cần thiết, chúng trải qua một quá trình học hỏi dưới sự hướng dẫn của những “thầy giáo”. Những con kiến “thầy giáo” trong tổ sẽ dạy cho các con kiến trẻ hơn làm công việc cần thiết. Trong trường hợp “học sinh” học chậm và “thi trượt” trong kỳ kiểm tra, chúng sẽ được chuyển đến một công việc khác ít cần đến kỹ năng hơn.

Không chỉ biết tìm mối mà loài kiến còn biết “chăn nuôi” tạo ra nguồn dự trữ thức ăn. Chúng biết nuôi các côn trùng như rệp và sâu bướm để lấy chất ngọt tiết ra từ những con côn trùng này. Khi đến thời điểm thu hoạch chất ngọt từ bầy côn trùng, kiến “vắt sữa” bằng cách dùng râu của chúng. Thật hết sức thú vị khi biết rằng đàn kiến mang theo bầy côn trùng được chúng nuôi dưỡng khi di chuyển tới một khu vực mới. Không khác gì con người đưa gia súc đi theo đến những nơi cỏ cây tươi tốt hơn.

Người ta từng nói đến sự phi thường trong thế giới loài kiến. Chúng không có tai mà cảm nhận âm thanh từ rung động mặt đất, thông qua bộ cảm biến nhạy cảm trên các chân. Chúng có khả năng tồn tại đến huyễn tưởng bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu. Chính vì thế kiến cũng là một trong những sinh vật đầu tiên trên trái đất được con người đưa ra ngoài vũ trụ trong thí nghiệm chinh phục bầu trời. Kiến có thị lực kém, bù vào đó chúng thường sử dụng từ trường của trái đất để định hướng đường đi. Chúng được coi là loài côn trùng thông minh nhất khi trong cái đầu bé nhỏ của kiến có hơn 250.000 tế bào não.

Là loài vật siêng năng chăm chỉ, kiến cũng được cho là những “vận động viên cừ khôi”. Nếu một con kiến có kích thước tương đương với con người, thì chúng có thể chạy bộ đạt vận tốc chạy trung bình 55 km/h mà không bao giờ bị mệt. Chúng lại có thể nâng một vật có trọng lượng gấp 50 lần cơ thể nó với sức mạnh phi thường.

MỚI - NÓNG