1001 thắc mắc: Mắt thú ăn thịt nằm phía trước mặt, sao mắt thú ăn cỏ lại nằm lệch hai bên?

1001 thắc mắc: Mắt thú ăn thịt nằm phía trước mặt, sao mắt thú ăn cỏ lại nằm lệch hai bên?
TPO - Mắt các loài thú ăn thịt như sư tử, hổ, báo, chó sói…đều nằm phía trước phần mặt, còn vị trí mắt của các loài thú ăn cỏ lại ở hai bên. Tại sao lại như vậy?  

Theo giới khoa học, các loài ăn thịt trong tự nhiên đều là những kẻ tấn công chủ động, tích cực. Một khi đã phát hiện thấy con mồi, chúng sẽ nhanh chóng truy đuổi.

Trong quá trình này, chúng không những cần cơ đùi khỏe, một cái miệng rộng với hàm răng sắc nhọn, mà còn phải dùng đến đôi mắt để quan sát chăm chú mục tiêu, ước lượng chính xác khoảng cách. Chính vì thế, mắt ở phía trước mặt sẽ tạo thuận lợi cho quá trình săn đuổi này.

Các loài động vật ăn cỏ lại không giống như vậy. Số phận của chúng là dễ trở thành mồi ngon cho các loài ăn thịt bất cứ lúc nào. Vì thế, mắt hai bên sẽ tạo ra tầm nhìn rộng rãi (có con có tầm nhìn tới 360 độ), giúp chúng nhanh chóng phát hiện ra kẻ địch và chạy trốn.

Vượn và khỉ tuy không hung dữ như các loài thú ăn thịt, nhưng cũng có mắt mọc ở chính trước mặt. Đó là vì cấu trúc này có lợi cho chúng trong việc xác định khoảng cách giữa các cành cây. Từ đó, chúng có thể nhanh chóng lẩn tránh kẻ thù.

Gấu trúc tuy ăn tre, trúc nhưng lại có đôi mắt mọc ở phía trước. Đặc điểm này là do chúng thừa kế được từ tổ tiên - những động vật chuyên ăn thịt.

Những thú vị về mắt động vật

Con người và loài vật khác nhau về thị trường. Con người nhìn rất rõ màu sắc và tương phản, nhưng về đêm thì mọi việc sẽ rắc rối.

Nếu chúng ta có thể nhìn 24 hình/giây thì con chó nhìn đến 60 hình và con ong mật nhìn 300 hình. Nói cách khác, nếu con ong xem một bộ phim, nó sẽ chỉ nhìn thấy một chuỗi những hình ảnh cực kỳ chậm chạp.

Loài nhện có thị nhãn sơ đẳng, một thuỷ tinh thể giả, một giác mạc sơ khai. Chúng có mắt cố định, nhưng vì là loài săn mồi nên phải gia tăng số lượng mắt: đến 8 cặp. Chúng thuộc loài cổ đại trong thang động vật sơ đẳng.

Còn loài rệp có nhãn quan "nghèo nàn" vì như thế cũng quá đủ với chúng. Mắt rệp có từ 5 đến 10 mặt, gọi là ô mắt. Loài ong có đến 300 ô mắt, và chuồn chuồn thì những 3.000.

Loài người nhạy cảm với 3 màu cơ bản của ánh sáng, tức lam, lục, và đỏ. Loài vật phải thán phục chúng ta vì đa số chúng bị mù màu hoặc chỉ nhìn thấy hình ảnh đen trắng.

Rắn có mi mắt trong suốt bất động, vì thế cái nhìn của chúng trông lạ lùng. Người ta biết rằng rắn có thị lực rất kém, nhưng nhạy cảm với chuyển động.

Loài thằn lằn có nhãn quan về màu sắc rất tốt. Con linh miêu có thể nhìn thấy một người đang đi trên sườn núi, nhưng lại chẳng nhận rõ hình dạng của người ấy.

 Chó và mèo không thể nhận ra màu đỏ. Nhưng bù lại mèo chiếm ưu thế hơn vì có thể nhìn ban đêm. Loài chim rất sành sỏi về màu sắc, đó là phương tiện để chúng phân biệt trống mái.

Đứng trên ngọn cây cao, con chim ưng có thị nhãn tinh tế nhất thế giới, sắc nét hơn con người 4-5 lần, và có thể phân biệt màu sắc. Nhưng về đêm, thị lực của chúng kém đi, vì thế chúng phải ngủ sớm và dậy trễ. Những loài chim ăn đêm nhìn rõ cả ban đêm lẫn ban ngày.

Mắt con ngựa có thị trường 350 độ nên có thể phát hiện mọi hiểm họa. Góc mù nhỏ nhoi là đầu mũi của nó. Còn loài thỏ nhìn đến 360 độ, thấy rõ tất cả mọi thứ chung quanh.

MỚI - NÓNG